“Giáo án sáng tạo” dạy học trò về “yêu thương” và “trách nhiệm”

(VOH) - Để giúp các học trò học “yêu thương” và “trách nhiệm”, một giáo viên tại TPHCM đã xây dựng “giáo án” hết sức sáng tạo để học trò đắm mình trong những trải nghiệm cảm xúc này.

Nhận được những lời nhắn đầy cảm xúc của học trò sau mỗi hoạt động thiện nguyện, thầy Nguyễn Lý Thủy, giáo viên môn Toán, Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc (Quận Phú Nhuận, TPHCM) cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những điều mình định hướng cho học sinh thực hiện đã thực sự mang lại giá trị cho xã hội và cho chính các học trò.

Kim Chi: “Khi tham gia vào dự án, em không mong gì hơn ngoài việc được cống hiến hết mình để giúp các em nhỏ được tiếp cận với giáo dục và thuận lợi phát triển. Nhưng càng gắn bó với dự án em nhận ra rằng: à thì ra mình cho đi nhưng bản thân cũng nhận lại rất nhiều”.

Triệu Vy: “Niềm vui là điều mà em luôn cảm nhận được trong suốt quá trình tham gia dự án, bản thân em có cơ hội được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn - là một điều vô cùng quý giá và ý nghĩa đối với em. Bên cạnh đó, em có được thêm nhiều mối quan hệ quý giá, những mối quan hệ mà mọi người đều san sẻ những điều tốt đẹp, học hỏi nhau và cùng nhau phát triển”.

Thy Võ: “Em nghĩ rằng, mỗi chúng ta đều sẽ tích lũy những bài học cho riêng mình sau những trải nghiệm trong các cộng đồng. 3 năm cấp ba của em đã thật sự ý nghĩa và thấu hiểu hơn dưới sự dẫn dắt của thầy và các mục tiêu mà dự án của thầy đã mang lại”…

sáng tạo, thiện nguyện
Các em học sinh trong một chuyến thăm và tặng đèn, tặng quà cho các bạn vùng cao

Thầy Nguyễn Lý Thủy được biết đến là người dẫn dắt nhiều phong trào tình nguyện cho học sinh Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc như: Mùa đông không lạnh, Thư viện cộng đồng, Chắp cánh tương lai… và hai hoạt động nổi bật là Thắp sáng tri thức và GOM – Give One More.

Với sự sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức các chương trình cộng đồng, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện, thầy Thủy đã được trao nhiều giải thưởng cấp quốc gia về việc dẫn dắt phong trào tình nguyện cho học sinh…

Đọc thêm: Đổi mới giáo dục: Thầy cô phải nêu gương cả về đạo đức và chuyên môn

Những dự án thiện nguyện “không xin tiền cha mẹ”

Một trong những điểm đặc biệt nhất trong các dự án thiện nguyện mà thầy cùng các học trò triển khai, đó là các em “không được xin tiền cha mẹ” mà phải cùng nhau lên kế hoạch gây quỹ, chọn mục tiêu và đưa ra các bước thực hiện cho mình.

Thầy Thủy kể, với Dự án Thắp sáng tri thức (ASER), thầy và trò hướng tới mục tiêu tặng đèn bàn sử dụng năng lượng mặt trời cho các em học sinh ở những “vùng lõm” biệt lập - nơi chưa có lưới điện Quốc gia.

Với dự án này, các em học sinh sẽ tự liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất đồ điện, giới thiệu về dự án và xin hỗ trợ vật tư. Khi nhận được vật tư từ các doanh nghiệp, nhóm học sinh trường Việt Úc sẽ tự lắp ráp hoàn thiện đèn và gây thêm quỹ để thực hiện dự án.

ASER40, thiện nguyện
Thầy Nguyễn Lý Thủy hướng dẫn các em học sinh lắp ráp đèn bàn năng lượng mặt trời.
đèn năng lượng mặt trời
Nhiều học sinh nữ cũng tham gia lắp ráp đèn bàn năng lượng mặt trời trong dự án ASER.

Ngoài việc trao tặng đèn bàn, các em còn có thêm những hoạt động khác như trồng cây tại vườn nhà những học sinh nhận đèn, quyên góp sách/truyện, thư tay chúc mừng, quà nhân dịp Giáng sinh, Tết... Đến nay, dự án đã tặng hơn 500 đèn bàn, trồng hơn 1.290 cây xanh tại vùng cao.

Dự án ASER từng được trao Giải Nhất của cuộc thi Sáng tạo xanh do liên minh năng lượng Việt Nam tổ chức 2021, Top 50 dự án tình nguyện Quốc Gia 2020, Top30 cuộc thi Sáng kiến thanh niên 2022 do Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam tổ chức, Giải thưởng tình nguyện Quốc Gia, Giải Nhất cuộc thi Dự án Cộng đồng của VAS.

GOM – Give One More là một dự án khác có mục tiêu gây quỹ để hỗ trợ các em học sinh miền núi có thêm thịt/cá cho các bữa ăn trưa.

Thầy Thủy cho biết: “Khi thấy các em học sinh miền núi tự đem cơm đến trường để ăn vào giờ trưa, và bữa trưa các em chỉ có cơm trắng với muối, nước lọc hay canh mì tôm, tôi đã trò chuyện với các học sinh và thầy trò chúng tôi đã cùng lập ra một sự án mới – GOM”.

Dự án GOM ra đời trong năm học 2021-2022 – giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhất, học sinh tại TPHCM còn đang học tập trực tuyến. Cho tới nay, các em học sinh của trường đã gây được nguồn quỹ 150 triệu đồng (tương đương với hơn 20.000 bữa ăn) dành tặng cho học sinh ở những khu vực vùng xa như Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Thầy Thủy cho hay: “Lâu nay, khi nói đến dự án từ thiện ở trường học, chúng ta quen nghĩ đến việc các con về nhà xin tiền ba mẹ để ủng hộ. Các dự án của thầy trò mình thì không như thế. Điều mà thầy và trò hướng đến là cùng nhau lên kế hoạch gây quỹ.

Nguồn quỹ của các dự án được quyên góp bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền trên mạng xã hội để các em nhận được những khoản ủng hộ từ mạnh thường quân, các tổ chức, công ty; Bán đồ các em tự làm như nến thơm, đồ móc len, bánh, bán đồ trong các hội chợ từ thiện; Trích tiền lì xì tặng quỹ; tham gia các cuộc thi để lấy tiền thưởng ủng hộ dự án ...”.

thiện nguyện, gây quỹ, móc len
Các em học sinh tập móc len, tạo ra các sản phẩm trang trí để bán lấy tiền gây quỹ GOM

Những dự án này hiện vẫn đang hoạt động song song với nhau, giúp các em được hòa mình vào hoạt động xã hội sau giờ học. Thông qua việc tự gây quỹ, đến tận nơi khó khăn để tặng quà cho các bạn, các em học sinh cũng thực sự cảm nhận được thế nào là tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng.

Những giá trị không thể “đong đếm” trong mỗi dự án thiện nguyện

Thầy Thủy kể, trong các dự án thiện nguyện, điều mà thầy và các giáo viên làm chỉ là giúp các em nhìn thấy những vấn đề cuộc sống, định hướng cho các em cách làm, kết nối các em với các vùng khó khăn, còn kế hoạch, triển khai thực hiện, các em đều tự bàn bạc và xây dựng.

“Tất nhiên, quá trình ấy các em cũng có những định hướng chưa đúng, cũng có lúc không thành công – nhưng chính điều này giúp các em học được nhiều hơn, học được rằng ai cũng có lúc sai, và sai thì có thể sửa… cho đến khi các em thực hiện được mục tiêu của mình” – thầy Thủy chia sẻ.

Thầy Thủy cho biết: “Sau mỗi năm học hoặc mỗi sự kiện được tổ chức - mình cùng học trò thường nhìn lại những điều đã đạt được, chưa đạt được. Thông qua việc quan sát học trò trong quá trình các em thực hiện dự án, mình nhận thấy được niềm vui và hạnh phúc trong các em: vui vì các em hỗ trợ cộng đồng bằng chính sức của mình, hạnh phúc vì các em hiểu được giá trị của yêu thương, khi nhìn lại chính mình - các em thấy mình may mắn và cần phải sống xứng đáng hơn...”

đèn năng lượng mặt trời
Hướng dẫn các bạn học sinh vùng cao sử dụng đèn năng lượng mặt trời.
đèn bàn năng lượng mặt trời
Học trò vùng cao thích thú khi nhận được những chiếc đèn bàn năng lượng mặt trời do các bạn học sinh thành phố tự lắp ráp và trao tặng

Thy Võ tham gia dự án ASER40 tham gia dự án thắp sáng ước mơ 4 năm qua, 3 năm cấp ba và 1 năm – khi Thy đã trở thành sinh viên năm nhất đại học.

Lần đầu nghe qua các dự án cộng đồng của thầy Thủy khi còn là một học sinh lớp 10, Thy đã rất ấn tượng bởi sự nhiệt huyết cũng như năng lượng mà thầy truyền tải đến học sinh, điều đó cũng đã thôi thúc em đăng ký tham gia và lan toả những thông điệp ý nghĩa đến với mọi người xung quanh.

“Tham gia vào dự án ASER40, cùng các bạn lắp ráp đèn, tặng cho các bạn vùng xa - em học được sự cho đi, sự thông cảm, và những giá trị sâu xa, ý nghĩa hơn vì hai chữ cộng đồng. Em nghĩ rằng, sẽ không chỉ một mình em đồng ý với điều này, mà rất nhiều bạn cũng như vậy” – Thy cho biết.

Kim Chi – Nhóm dự án ASER40 chia sẻ: “Em nhận lại sự hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười của các bạn, nhận lại những bài học đơn sơ từ chính những thất bại và thành công qua các hoạt động và nhận được những cơ hội mới cho bản thân. Nhưng hơn hết đó là bài học “cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương”. Cảm ơn dự án vì đã xuất hiện và là một phần không thể thiếu trong chuyến tàu thanh xuân của em”.

thiện nguyện
Kim Chi (áo trắng) - cùng các bạn viết thư tay để gởi đến các em nhỏ vùng cao.

Cùng tham gia dự án ASER40, học sinh Thomas Harris cho biết, tham gia vào dự án làm đèn năng lượng mặt trời không chỉ giúp em trau dồi kỹ năng, tạo nên những tác động tích cực đến cộng đồng mà còn giúp em học hỏi được những kinh nghiệm thiết thực và tạo ra những kỷ niệm quý báu với bạn bè, thầy cô.

Theo Thomas: “Dự án này đòi hỏi kỹ năng nhận thức và cách giải quyết vấn đề. Cụ thể trong quá trình thực hiện dự án, khâu sản xuất thường hay gặp phải những vấn đề cần em và các bạn phải phân tích và giải quyết một cách hiệu quả. Kỹ năng làm việc nhóm và quản lý các hoạt động dự án của em cũng được trau dồi khi tham gia vào dự án này”.

Triệu Vy – Nhóm GOM cho rằng, quá trình tham gia dự án đã giúp em phát huy thêm những kỹ năng cần thiết và bổ ích cho bản thân. Không những vậy, em còn đặc biệt nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng từ gia đình, thầy cô và cả bạn bè. “Tham gia vào dự án là một trong những điều mà em tự hào và hãnh diện nhất” – Vy cười.

trồng vây
Học sinh VAS trồng cây trong chuyến thăm các bạn cùng cao.

Học sinh Minh Khuê chia sẻ, tham gia dự án GOM, em đã gặp gỡ và kết bạn với những bạn cùng chí hướng, thay đổi em từ một con người ngại giao tiếp trở thành một người đủ dũng khí để chủ động tìm đến những người bạn có thể giúp đỡ mình.

“Em cũng đã có dịp đến thăm các em nhỏ mà dự án hỗ trợ và đó là trải nghiệm mà có lẽ sẽ rất khó để sau này em có thể tìm lại. Chính những điều như vậy đã khơi dậy tình thương giữa người với người đối với bản thân em và các thành viên của dự án. Đó là những giá trị nhân văn không thể mua được bằng vật chất” - Khuê cho biết.

Những dự án thiện nguyện trong trường phổ thông như Thắp sáng tri thức (ASER) hay GOM, không chỉ giúp các em học sinh được thực hành những kiến thức mình đã học, mà còn có thêm những trải nghiệm đáng quý - điều mà các em chỉ khi rời khỏi thành phố, rời khỏi vùng an toàn của chính mình mới cảm nhận được.

Những giá trị ấy được xây dựng từ “giáo án sáng tạo” của người thầy tâm huyết sẽ là nền tảng chắc chắn để tạo nên những bạn trẻ có tri thức, sự tử tế và giàu lòng yêu thương.