Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giáo dục đại học thời 4.0: "Thay đổi tư duy – Khơi nguồn sáng tạo"

(VOH) - Hội thảo Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường ĐH-CĐ do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức sáng ngày 2/11, tại TPHCM.

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trong thời quan qua, nền giáo dục chậm đổi mới, lãng phí thời gian. Hệ quả trực tiếp là hệ thống giáo dục đại học còn yếu kém, làm cho sức mạnh trí tuệ của dân tộc chưa phát triển được.

Giáo sư Quân khẳng định, trong 10 năm tới, những ngành nghề mới sẽ xuất hiện, mà ở hiện tại chưa có, thậm chí tỷ lệ ngành mới lên đến 65 – 70%. Do đó, những kỹ năng cơ bản đối với sinh viên thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức chuyên ngành, mà ngay từ bây giờ trường đại học phải đào tạo.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. 

“Nếu chúng ta vẫn tiếp tục một chương trình cứng, cung cấp rất nhiều kiến thức ứng dụng, nhiều kiến thức chuyên ngành thì sinh viên của chúng ta ra trường không sẵn sàng thích nghi được với sự phát triển của khoa học công nghệ, không sẵn sàng chuyển dịch ngành nghề từ ngành này sang ngành khác tương tự. Họ cũng sẽ không có được khả năng tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ. Chúng ta phải thấy được cái này, và hết sức khắc phục”, Giáo sư Trần Hồng Quân cho biết.

Các trường công nhận chương trình lẫn nhau để chia sẻ nguồn lực

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM thẳng thẳn nhìn nhận, chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nhưng giáo dục Việt Nam đã quá chậm so với thế giới. Sức ì của giáo dục Việt Nam quá lớn, tư duy của lãnh đạo còn trì trệ nên không bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Một vấn đề nữa, đó là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực của các trường đại học hiện chưa có. Vì vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, chúng ta đang sống trong thời đại giáo dục đại học không biên giới, nên sự chia sẻ nguồn lực cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, công nhận chương trình lẫn nhau giữa các trường đại học rất quan trọng, quan trọng hơn là nó đem lại quyền lợi cho người học.

“Tại sao chúng ta phải bắt sinh viên của Trường, đang ở quận 1, 3, 10 chẳng hạn, hàng ngày phải di chuyển 20 km đến trường để học môn Vật lý, Toán. Trong khi Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cũng có những môn này. Nếu chúng ta chấp nhận chuyển học phí của những sinh viên này cho Trường Đại học Sư phạm để các em học ở đó, các em sẽ đỡ tốn thời gian học. Trường cũng công nhận chương trình học nếu như thấy tương đương. Tôi tha thiết kêu gọi các trường cùng công nhận chương trình lẫn nhau, để chúng ta chia sẻ nguồn lực lẫn nhau, tiết kiệm được thời gian, kinh phí” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói.

Quang cảnh hội thảo

Thay đổi tư duy – Khơi nguồn sáng tạo

Đào tạo đại học là cấp đào tạo căn bản, đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cấp độ đào tạo này đang gặp phải những khó khăn nhất định, trước hết là thiếu triết lý đào tạo. Vì vậy, Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc xây dựng triết lý đào tạo đại học, góp phần thay đổi căn bản giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay thật sự quan trọng. Thực trạng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang đứng trước các khó khăn lớn.

Đó là, hệ thống đào tạo đại học còn khép kín, thiếu liên thông giữa các trình độ, các phương thức đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp đào tạo còn lạc hậu, chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá còn thiếu thực chất, bệnh thành tích. Giáo dục đại học chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo giữa nghiên cứu khoa học, nhu cầu thị trường. Những nhận xét thẳng thắn như vậy nhằm hướng tới một sự thôi thúc đào tạo đại học Việt Nam phải có chuyển biến, thay đổi căn bản, nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ đó, triết lý đào tạo cũng cần phải thay đổi, đó là “Thay đổi tư duy – Khơi nguồn sáng tạo”.

“Đó là triết lý hành động, hành động làm sao để thay đổi tư duy, khơi nguồn sáng tạo. Chúng ta không dùng từ “hãy”, mà phải trở thành giải pháp cụ thể. Cái đích của sự nghiệp đào tạo đại học ở Việt Nam là đào tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ đại học có tư duy mới, có óc sáng tạo và năng lực hành động tương ứng với những ngành nghề cụ thể” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Sáu cho biết.

Để thực hiện triết lý này, giáo dục đại học cần đổi mới căn bản phương cách đào tạo đại học, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo từ quá trình chuyển giao tri thức sang quá trình phát triển năng lực sáng tạo cho người học. Người được đào tạo sẽ trở thành một mẫu hình hành động đạt chuẩn nghề nghiệp thay vì một “cái kho” chứa kiến thức thuần túy.

Tốp 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất 2019? - Nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc năm 2018 tăng 11% so với năm 2017.

 

Cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo thông báo nhập học chương trình Liên kết Quốc tế - Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM vừa phát đi thông báo gửi phụ huynh, sinh viên và các cơ quan báo chí về việc giả mạo thông báo nhập học chương trình Liên kết Quốc ...
Bình luận