Những nội dung giáo viên đưa ra được các em thảo luận rất sôi nổi.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”
Sáng 28/10, gần 2.000 học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức), được nghe phổ biến Luật trẻ em và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Mạnh dạn giơ tay phát biểu, em Nguyễn Vũ Tiến, lớp 3/4, tự tin trả lời: “Em được biết Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới, phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em”.
Tinh thần phát biểu hăng hái của em Vũ Tiến đã kích thích sự sôi nổi ở nhiều bạn khác. Em Trần Gia Hân, học lớp 4/1, đã hoàn chỉnh thêm cho ý kiến của bạn Vũ Tiến với phần bổ sung: “Nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước trên chính là Ghana”.
Các bạn nhỏ đã khiến giáo viên đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Em Phạm Nguyễn Huy Phương, học lớp 1/2 và nhiều bạn ở khối lớp 1 đã nêu được chính xác đáp án tổng đài quốc gia hỗ trợ, tư vấn trẻ em là số 111.
Những nguồn thông tin từ các thầy cô truyền đạt, đến báo chí đăng tải được học sinh cần mẫn tiếp thu và ghi nhớ. Điều quan trọng hơn là khi cần các em luôn biết áp dụng trong cuộc sống.
Là người có nhiều kinh nghiệm tổ chức các buổi học kỹ năng “mềm”, cô Phạm Ngọc Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tâm sự: “Chúng tôi xác định với trẻ em bậc tiểu học rất cần sự kiên trì. Những hoạt động trải nghiệm được nhà trường duy trì thường xuyên. Một lần chưa thể giúp học sinh nhớ được, nhưng tổ chức nhiều lần sẽ hình thành cho các em phản xạ có điều kiện”.
Như để chứng minh cho phát biểu của cô hiệu trưởng, em Nguyễn Minh Nhi, học lớp 5/8 đã xuất sắc trả lời chính xác hai câu hỏi khó trong chuyên đề An toàn giao thông: “Những phương tiện giao thông nào thuộc diện được ưu tiên trên đường? “Điểm mù” của xe ô tô nằm ở những vị trí nào?”.
Tràng pháo tay tán thưởng kéo dài của cả trường, thay lời khen dành cho Minh Nhi đã nói lên tất cả.
Hạnh phúc khi có hai con đang học tại trường này, chị Nguyễn Thị Trúc Vân bày tỏ: “Tôi thật sự yên tâm khi nhận thấy các bé tiến bộ rất nhanh. Bên cạnh những điều hay lẽ phải, nhà trường luôn quan tâm giáo dục nhiều kiến thức bổ ích, giúp học sinh biết cách xử lý tình huống khi không có người thân bên cạnh”.
Chung tay xây “trường học hạnh phúc”
Tương tự như trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, gần 1.700 học sinh trường Tiểu học Phước Thạnh, cũng được nghe phổ biến hai nội dung trên.
Nhân dịp này, nhà trường đã kết hợp “khánh thành” công trình tranh tường, cổ động An toàn giao thông bằng hình ảnh.
Hiệu trưởng Lê Thị Kim Ngân cho biết: “Những vách tường ở vị trí đầu dãy phòng học được chúng tôi tận dụng vẽ thành các bức tranh kích thước lớn. Mỗi tranh mang nội dung tuyên truyền khác nhau, tập trung vào những hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông. Nhờ vậy, hàng ngày trước khi các em học sinh vào lớp, đều được nhìn thấy những tác phẩm sinh động bằng hình ảnh này”.
“Nhà trường muốn gửi gắm đến phụ huynh và học sinh về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bởi vì giữ gìn sự an toàn cho cộng đồng cũng chính là cho bản thân mình. Cha mẹ và con cái đều đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, không đi ngược chiều, không vượt đèn đỏ, người lớn hãy làm gương cho trẻ em…, là những nội dung chúng tôi chuyển tải đến người xem” - cô Kim Ngân cho biết thêm.
Những bức tường vốn vô tri vô giác, nay đã được “mặc áo” mới và “biết nói” lên thông điệp nhân văn. Ngoài nội dung An toàn giao thông, còn có các bức vẽ mang chủ đề xây dựng trường học hạnh phúc, “Chúng em “nói không” với bạo lực học đường, thuốc lá điện tử”.
Ông Nguyễn Xuân Phẩm có con học tại đây chia sẻ: “Nhà trường luôn có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục. Các thầy cô còn chú trọng bảo vệ sự an toàn cho học sinh, bằng cách trang bị cho các em văn hóa ứng xử, góp phần giữ cho môi trường học đường luôn lành mạnh, trong sáng”.
Là một trong những bạn nhỏ nhiệt tình tương tác, em Võ Hoàng Nhật Hạ, học lớp 5/6 khoe: “Nhờ tiết học này chúng em đã biết được những quyền cơ bản của trẻ em. Các thầy cô hướng dẫn đã dùng hình ảnh trực quan để chúng em dễ hình dung và tiếp thu bài giảng”.
Vận dụng mô hình “hai trong một”, trường Tiểu học Đặng Văn Bất cũng vừa tái hiện tại sân trường, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” cho hơn 1.400 học sinh. Hai chủ đề được các “đại biểu trẻ em” nhắc đến nhiều nhất, là phòng chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá điện tử.
Mở đầu phần thảo luận, “đại biểu” Võ Gia Khang, học lớp 5/3, mạnh dạn kiến nghị: “Thuốc lá điện tử, chất gây nghiện hay bị kẻ xấu dùng nhiều thủ đoạn nhằm lôi kéo học sinh sử dụng. Đây là những cạm bẫy thường nhắm đến trẻ em. Trong khi nhiều bạn chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực này, chúng em rất muốn được nhà trường và các ban ngành chỉ dẫn thêm để phòng tránh”.
Nữ sinh Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi, học lớp 4/8, nêu lên vấn đề rất “thời sự”: “Bạo lực học đường đã được nhà trường và các ngành chức năng, quan tâm phòng ngừa bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Dẫu vậy, ở một vài nơi vẫn còn xảy ra gây nhiều hậu quả đau lòng. Chúng em rất mong cần được tiến hành thường xuyên hơn nữa”.
Chia sẻ của em Tuyết Nhi, nhận được rất nhiều sự đồng tình của các bạn nhỏ. Cũng từ đây, hàng chục ý kiến hưởng ứng được đưa ra, đi kèm với đó là các giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường từ gốc. Chương trình “Cùng em vững bước. Xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường”, do Hội Đồng đội TPHCM khởi xướng từ tháng 11/2023, cũng được các em viện dẫn, nhằm chứng minh cho suy nghĩ của mình.
Song song đó, nhiều tình huống phát sinh đột xuất trong quá trình cùng nhau học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, cũng được các bạn nhỏ bàn luận. Đi đến thống nhất với phương châm: nhường nhịn, đề cao văn hóa ứng xử, duy trì tình bạn thân thiết, chan hòa. Chung tay gìn giữ, lan tỏa những điều tốt đẹp, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Phấn khởi nhất là các phụ huynh, ông Nguyễn Thanh Tùng, có con học tại trường này tâm sự: “Tôi cũng bất ngờ khi nghe phát biểu thẳng thắn của các em. Cũng trong sự kiện này, người lớn có dịp nhìn nhận lại, mỗi phụ huynh cần dành nhiều thời gian lắng nghe, nói chuyện với con cái nhiều hơn. Muốn giáo dục tốt trẻ em, trước hết phải chú ý nghe và hiểu các em”.
Cô Nguyễn Thị Mai Thu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Văn Bất chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành đều đặn các tiết học ngoại khóa, mang chủ đề chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Chú trọng lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Nhờ vậy, đã nhận được rất nhiều ý kiến có giá trị, phản ánh cảm nhận từ thực tế của lứa tuổi học trò”.
Cô Mai Thu bày tỏ mong muốn các bậc phụ huynh luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường hơn nữa, trong việc quản lý, giáo dục con em. Dạy các em biết nhường nhịn nhau, yêu thương đoàn kết với nhau như anh em trong một gia đình.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tìm hiểu để nhận biết các loại thuốc lá điện tử, thường xuyên tâm sự với con cái, khuyên bảo các em điều hay lẽ phải để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi của con em.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ phối hợp theo phương pháp “kiềng ba chân”, đó là Gia đình - Nhà trường - Xã hội luôn có vai trò quan trọng” - cô Mai Thu bộc bạch thêm.
Hiệu quả mang lại càng tăng thêm, nhờ việc sau khi kết thúc các buổi sinh hoạt tập thể, các trường học đều tiến hành cho học sinh làm bài kiểm tra bằng những câu hỏi trắc nghiệm thú vị giúp các bạn nhỏ có dịp ôn lại để nhớ lâu. Nhờ vậy, ấn tượng từ những giờ học kỹ năng sống đã đọng lại trong tâm hồn trẻ thơ, giúp các em vận dụng linh hoạt vào cuộc sống hàng ngày.
Trường học hạnh phúc, trường học an toàn đang ngày càng hoàn thiện và lan tỏa, nhờ sự đồng lòng, chung tay của đội ngũ giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.