Hàn Quốc: Tranh luận gay gắt vì tình trạng giáo viên bị phụ huynh, học sinh hành hung

VOH - Số vụ giáo viên bị phụ huynh, học sinh hành hung, bạo hành gia tăng tại Hàn Quốc. Nhiều giáo viên nói rằng, ‘họ không còn được tôn trọng’.

Cuộc tranh luận về quyền của giáo viên nổ ra gay gắt tại Hàn Quốc vào ngày 20/7, sau vụ việc một giáo viên tiểu học tự tử trong lớp học - giữa những tin đồn về việc cô bị phụ huynh học sinh bắt nạt.

giáo viên tự tử
Những vòng hoa được đặt trước một trường tiểu học ở Seocho-gu, phía nam Seoul, để bày tỏ lòng kính trọng đối với một giáo viên đã tự tử trong lớp vào sáng 18/7 - Ảnh: Yonhap

Văn phòng Giáo dục Thành phố Seoul hôm 19/7 xác nhận, một giáo viên mới vào nghề tại một trường tiểu học ở Seocho-gu, phía nam Seoul, được tìm thấy đã chết trong lớp học. 

Theo báo cáo, nữ giáo viên 23 tuổi đã vượt qua kỳ thi chứng chỉ giáo viên vào năm 2022 và gia nhập trường vào tháng 3 cùng năm.

Truyền thông địa phương đưa tin, giáo viên này đã phải chịu đựng nhiều tháng bị bắt nạt và áp lực bởi một phụ huynh - người có con gái cũng bị cáo buộc là thủ phạm bắt nạt ở trường.

Tuy nhiên, nhà trường phủ nhận điều này, đồng thời nói thêm “họ sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra”.

Vụ việc trên xảy ra một ngày sau khi một nữ giáo viên tiểu học khác ở Seoul bị một nam sinh lớp 6 tấn công trước mặt các học sinh khác, khiến cô phải nhập viện. 

Cô giáo cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Cô cho rằng phụ huynh học sinh phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Cả hai trường hợp trên đều khiến các giáo viên tại Hàn Quốc phẫn nộ. Họ nói rằng, đây là thực tế đen tối của các trường công lập, nơi quyền hạn của giáo viên không còn được tôn trọng.

Xem thêm: Khởi tố phụ huynh dọa chém giáo viên, bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi

Hàn Quốc chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể số lượng giáo viên bị học sinh và phụ huynh hành hung hoặc tấn công thể xác, với tổng số 1.133 giáo viên đã hứng chịu các hành vi này từ năm 2018 đến năm 2022, theo dữ liệu do Bộ Giáo dục công bố. 

Ngoài ra, số trường hợp được báo cáo hàng năm về việc học sinh vi phạm quyền của giáo viên trong lớp học đã vượt quá 2.000 vào năm 2022.

Quyền hạn của giáo viên bị suy yếu có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Những người chỉ trích cho rằng, cấm trừng phạt thân thể là nguyên nhân sâu xa khiến quyền của giáo viên bị chà đạp.

Trước đây, giáo viên có thể trừng phạt học sinh vì hành vi sai trái, nhưng hình phạt đó bị cấm kể từ năm 2010 do lo ngại rằng sẽ vi phạm quyền của học sinh đối với sự toàn vẹn về thể chất và phẩm giá con người.

Khi giáo viên được khuyến khích áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với học sinh và phụ huynh có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của trường, dẫn đến sự gia tăng các vụ bạo lực đối với giáo viên, các nhà quan sát cho biết.

Ngoài việc đối phó với những học sinh 'có vấn đề', hành vi hung hãn từ phụ huynh cũng góp phần làm suy giảm quyền tự chủ và quyền ra quyết định của giáo viên, khi ngày càng nhiều phụ huynh bảo vệ con cái của họ nhiều hơn.

Phụ huynh đôi khi nộp đơn khiếu nại, thậm chí kiện giáo viên vì đã la mắng con cái của họ. Trong hầu hết các trường hợp, giáo viên phải xin lỗi phụ huynh, học sinh và cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với học sinh càng nhiều càng tốt.

Nghề giáo - từng được ghen tị là “công việc được tôn trọng cả đời” giờ trở thành cơn ác mộng với nhiều giáo viên tại Hàn Quốc.

Theo dữ liệu do Hạ nghị sĩ Kwon Eun-hee của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền và là thành viên của Ủy ban Giáo dục của Quốc hội công bố, 589 giáo viên có kinh nghiệm dưới 5 năm đã nghỉ việc từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2023, tăng gần gấp đôi so với năm 2021.

Nguyên nhân hàng đầu là do các báo cáo sai lệch về lạm dụng trẻ em và khiếu nại của cha mẹ.

Các chuyên gia giáo dục kêu gọi triển khai hệ thống bảo vệ giáo viên khỏi phụ huynh và học sinh ở trong và ngoài lớp học.

Park Nam-gi, Giáo sư tại Đại học Giáo dục Quốc gia Gwangju cho rằng, Hàn Quốc nên học theo hệ thống hỗ trợ giáo viên của Hoa Kỳ, nơi giáo viên có thể liên hệ với hiệu trưởng và cấp trên trong trường hợp họ cần giúp đỡ để giải quyết các vấn đề với học sinh và các bậc phụ huynh.

Giáo sư Park cũng chỉ ra rằng, những học sinh có nguy cơ bạo lực, bao gồm cả những học sinh có vấn đề tức giận hoặc là thủ phạm bắt nạt, nên được nhận các phương pháp giáo dục thay thế.

“Thật không công bằng khi giáo viên phải quan tâm đến những học sinh có vấn đề, những học sinh có thể gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho giáo viên” - ông Park lưu ý và cho rằng, chính phủ nên đưa ra các biện pháp để tách giáo viên khỏi học sinh có những vấn đề như vậy.

Bình luận