Hành trình khởi nghiệp của chàng sinh viên năm hai

(VOH) - Dù vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng Nguyễn Hoài Bảo đã khởi nghiệp thành công với hàng ngàn sản phẩm bán ra mỗi tháng.

Nguyễn Hoài Bảo là sinh viên năm 2, khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM. Xuất phát điểm là dân kỹ thuật tại một trường Cao đẳng, Bảo đã mày mò học kinh doanh, thiết kế, chế tạo… loại sữa tắm bọt từ dầu dừa thiên nhiên - khiến nhiều người phải nể phục.

sữa tắm từ dầu dừa
Nguyễn Hoài Bảo (bên phải) cùng cô Lữ Mông Thy và các bạn thành viên trong dự án khởi nghiệp (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Xem thêm: 8 cách dùng dầu dừa trị thâm mắt hiệu nghiệm giúp bạn ‘hack’ tuổi ngay tại nhà

Nguồn cảm hứng từ dầu dừa

Năm 2014, Hoài Bảo học cao đẳng, sau đó làm việc tại công ty mỹ phẩm ở quận Bình Tân. Trong quá trình làm việc tại đây, chàng trai 9X đã được tiếp xúc, học hỏi và nhận được sự chỉ dạy từ những người đi trước.

“Họ thấy em có niềm yêu thích đối với mỹ phẩm nên rất quý và tạo điều kiện cho em học hỏi, từ đó em được chuyển qua làm tại phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm”, Hoài Bảo hào hứng kể. Bắt đầu với công việc tại đây, cậu chỉ thích tạo bọt, khuấy các chất cho tới khi nổi bọt hết. Rồi cũng từ sự yêu thích đó cậu đã nghiên cứu cách nào để chất tẩy rửa tạo nên bọt nhiều, bọt dai, bọt dịu nhẹ… 

Năm 2020, Hoài Bảo nghỉ việc và thấy được sự quan trọng của bằng cấp nên đã đăng ký học Đại học tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Hiện tại cậu đang là sinh viên năm 2 của khoa Công nghệ Hóa học, vì có niềm đam mê với mỹ phẩm nên khi vào chuyên ngành cậu chọn hóa hữu cơ mỹ phẩm. Hoài Bảo thường đùa rằng, mình là sinh viên năm thứ 8.

Cũng trong năm 2020, Bảo xin làm ở công ty chuyên sản xuất những sản phẩm cho em bé và mẹ bầu. Từ đây Bảo biết được những nguồn nguyên liệu tạo bọt dịu nhẹ và an toàn và điều đó đã thôi thúc cậu lên ý tưởng cho sản phẩm mang thương hiệu của mình.

Năm 2021, sau khi nghỉ làm để tập trung cho việc học, Bảo tìm ra ý tưởng, thử dùng axit béo từ dầu cọ, dầu ô liu, cánh gạo… làm thành xà phòng dung dịch không sử dụng xút. Ý tưởng đầu tiên của Bảo là tạo sữa tắm từ dầu cọ, sau đó thấy được những vấn đề từ dầu cọ nên chọn nguyên liệu dầu dừa để làm sữa tắm.

“Sau khi biết đến dầu dừa mình rất thích, vì sử dụng nó nhanh hơn dầu cọ rất nhiều, làm dầu cọ 3-4 tiếng, dầu dừa thì nhanh hơn”, Hoài Bảo kể.

Chàng trai 9X cũng chia sẻ thêm, tất cả những sản phẩm trước khi đưa ra ngoài sản xuất đều được cậu thử nghiệm trên chính thân thể của mình, khi nào cảm thấy mình dùng ổn mới đưa cho những người khác dùng.

Trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2021, dự án sữa tắm từ tinh dầu dừa thiên nhiên của Bảo đã đạt được giải Nhất cấp trường, sau đó dự án của nhóm Hoài Bảo cũng được vào top 70 tham gia vòng chung kết cuộc thi “học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV - sinh viên startup 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Cô Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết: “Khi tham gia cuộc thi này nhà trường cũng hỗ trợ các bạn trong việc nghiên cứu và kinh phí để các bạn ra sản phẩm mẫu cũng như phân công giảng viên chuyên môn để hướng dẫn các bạn thực hiện đề tài này”. Bên cạnh đó còn có bộ phận kết nối về đổi mới sáng tạo của trường cũng đồng hành cùng các bạn để mà đi theo hỗ trợ các bạn để tham gia và kết nối với bên ngoài để mà phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Đó là lý do tại sao, một dự án khởi nghiệp như sữa tắm bọt tinh dầu dừa của sinh viên có thể phát triển và thương mại hóa thành công chỉ sau 1 năm.

Lấy nông sản Việt để phục vụ cho người Việt

“TAKE VIETNAM THINGS TO SERVE VIETNAMESE” - Lấy cái của người Việt để phục vụ cho người Việt, là slogan hàng đầu của POLAFoam, công ty do Hoài Bảo đứng đầu.

Bảo cùng với những người bạn cùng chí hướng đã chọn dừa Bến Tre làm nguyên liệu chính cho sản phẩm sữa tắm Cocofoam của mình. Ngoài ra, sữa tắm còn có những chiết suất thực vật khác từ nguồn nguyên nhiên liệu trong nước để tăng thêm khả năng dưỡng da.

Nói về công thức tạo ra sản phẩm, Hoài Bảo chia sẻ: “Thay vì sử dụng xà phòng hóa dạng bánh như chúng ta thường thấy thì em chọn dạng dung dịch để có thể điều chỉnh được độ PH của nó. Vì bánh xà phòng PH rất là cao và điều đó sẽ dễ làm khô da và lão hóa da, khi giải quyết được vấn đề này, chúng ta có thể đảm bảo về dưỡng da và bảo vệ an toàn cho da rồi”.

Hoài Bảo còn bật mí thêm khi chọn nguyên liệu, dầu dừa phải là dầu dừa truyền thống, còn tươi không phải dầu dừa ướp lạnh vì dầu dừa ướp lạnh khiến quá trình xà phòng hóa diễn ra lâu.

[VIDEO] - Khởi nghiệp từ tinh dầu dừa (Nguồn: VOH)

Điểm khác biệt của Cocofoam so với những sản phẩm khác trên thị trường ngoài tính tự nhiên còn ở khả khả năng tự tạo bọt: “Hầu hết sản phẩm sữa tắm hiện nay đều ở dạng gel, điểm đặc biệt ở sản phẩm của em là có khả năng tự tạo bọt. Người dùng chỉ cần ấn từ hai đến bốn lần tùy mức độ sử dụng là có thể tạo bọt, làm sạch được hết bụi bẩn và tế bào chết trên cơ thể”.

Hiện tại công ty của Bảo có 3 dòng sản phẩm sữa tắm, dầu gội, xịt dưỡng tóc - xịt dưỡng mọc tóc và thị trường tiêu thụ chủ yếu là tại Gia Lai và Hà Nội, ngoài ra còn có cộng đồng người Việt tại Macao và Đài Loan. Hoài Bảo cho biết, mục tiêu đặt ra cho mỗi tháng là sản xuất từ 200 đến 500 sản phẩm, nhưng doanh số của công ty vẫn đang dao động trên 3.000 sản phẩm và đang có dấu hiệu khởi sắc khi nhận được sự hưởng ứng cũng như phản hồi tốt từ khách hàng. 

Cocofoam đã có giấy công bố của Sở Y tế, hiệu số công bố đó đã đạt, đáp ứng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng theo thông tư của Bộ Y tế. Dự định tương lai, không chỉ có riêng Cocofoam, Bảo cùng nhóm bạn sẽ phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm từ dầu dừa, mở rộng thị trường của sản phẩm, giá thành sản phẩm phù hợp với thu nhập của người Việt.

Nói về việc làm sao để cân bằng giữa việc học tập và kinh doanh, Hoài Bảo cười nói: “Mỗi người đều có một công thức và cách phân chia giữa việc học và việc làm riêng nên không thể nói đâu là phù hợp. Riêng em, em sẽ căn chỉnh thời gian học, chẳng hạn một kỳ học 10 môn thì em xin học khoảng 5 môn, chấp nhận việc ra trường chậm hơn các bạn nhưng phải học cho đâu ra đó”. Chàng sinh viên bật mí, trong tương lai sẽ học thêm về chứng chỉ kinh doanh để phục vụ tốt hơn cho việc phát triển của công ty sau này.

TS. Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm cho hay: “Về hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên, nhà trường đã triển khai trong vòng 3 năm trở lại đây, trong mỗi năm đều có điều chỉnh. Nhà trường cũng quan tâm về vấn đề đào tạo kiến thức đổi mới và sáng tạo trong khởi nghiệp của sinh viên và nội dung này đã được đưa vào học phần dạy cho tất cả sinh viên của trường”.

Trường tổ chức rất nhiều cuộc thi liên quan đến đổi mới sáng tạo, từ khoa, cấp trường, bộ đều tham gia. Trong quá trình tham gia nhà trường hỗ trợ rất nhiều đặc biệt về kinh phí. Nhà trường cũng hỗ trợ về các bước để thành các dự án, và sau khi có sự án nhà trường cũng hỗ trợ kết hợp với các doanh nghiệp, dự án khả thi nhà trường cũng đề nghị doanh nghiệp hợp tác để đưa ra ngoài thị trường.