Học đại học 3 năm: Không đơn giản là rút ngắn chương trình

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đáng chú ý, chương trình bậc đại học có thể rút ngắn thời gian đào tạo với mức tương đương 3-5 năm, so với 4-6 năm như hiện nay.

Nghe nội dung bài viết

Học đại học trong 3 năm liệu sinh viên có tập trung và lượng sức học của mình hơn? Ảnh minh họa: ueh

Phù hợp với thực tế

Trên thực tế, đối với các trường đào tạo theo tín chỉ, nhiều sinh viên có thể hoàn tất chương trình đại học trong 3 năm hoặc 3,5 năm. Trước mắt, việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và cho xã hội. Người học ra trường sớm, sớm có cơ hội tham gia thị trường lao động.

Kim Quý, sinh viên ngành Truyền thông Marketing, Trường ĐH Tài chính Marketing đang đăng ký học vượt một số môn, dự kiến tốt nghiệp đại học trong 3,5 năm cho rằng: “Đi học bây giờ theo tín chỉ nên số lượng môn học không quá nhiều trong tuần. Nhiều bạn vẫn sắp xếp được thời gian đi học, đi làm thêm. Chính vì vậy, nếu học đại học trong 3 năm, các bạn sẽ tập trung hơn, sau đó, các bạn có cơ hội đi làm nhiều hơn”.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm thống kê, từ khi đào tạo tín chỉ cho đến nay, trường có hơn 300 sinh viên tốt nghiệp với thời gian đào tạo là 3 năm và có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều đáng nói, tỷ lệ khá giỏi trong số này khá cao. Con số này chứng minh việc rút ngắn đào tạo đại học là hết sức hợp lý, có tính cạnh tranh tốt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế.

Không thể vội vã

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không phải ngành nào, lĩnh vực nào cũng có thể rút ngắn thời gian học, đặc biệt những ngành nhà trường không khuyến khích sinh viên học vượt. Tiến sĩ Trần Đình Lý dẫn chứng: “Đối với một số ngành đòi hỏi sự phát triển sinh trưởng của cây, con, liên quan đến vấn đề sinh học, công nghệ, kỹ thuật thì phải đảm bảo đủ điều kiện về mặt thời gian, nên chương trình đào tạo trong 4 năm. Những ngành rút ngắn thời gian đào tạo chủ yếu có điều kiện thuận lợi để rút ngắn được như: kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kế toán. Sinh viên ngành này có thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian đào tạo”.

Không chỉ tác động mạnh mẽ đến người học, việc quy định linh động thời gian đào tạo giúp các trường chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm cho rằng, các trường có cơ hội xây dựng theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo, đặc biệt là các trường theo định hướng ứng dụng. Việc lựa chọn hướng đào tạo rút ngắn thời gian thông qua việc xây dựng các môn học tích hợp và tăng cường chương trình thực tế tại doanh nghiệp.

Còn theo Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, thay đổi chương trình học – cụ thể là rà soát lại chương trình đào tạo là cực kỳ quan trọng, việc thực hiện cũng không phải ngay trong thời gian ngắn.  Điều này đặt ra chương trình đào tạo của nhà trường phải xây dựng lại một cách tích cực hơn, không chỉ rà soát lại chương trình đào tạo của các học phần, các học phần nào giao thoa với nhau thì phải thiết kế lại để giảm sự trùng lắp đó. Thứ hai, trường phải tăng cường thiết kế các tiết học khoa học hơn. Thay vì hiện nay các trường chỉ thiết kế buổi học vào ngày hành chính, ban đêm ít sử dụng. Nay trường sẽ tăng cường học phần vào những thời điểm đó. Như vậy, vừa tránh trùng lắp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cũng như thay đổi công nghệ đào tạo, việc rút ngắn sẽ hiệu quả hơn”.

Thật vậy, việc giảm thời lượng không đơn giản chỉ là cắt bỏ chương trình thuần tuý, nhất là đối với các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM cho hay, hiện tại nhà trường đang từng bước giảm tải thời lượng học hiệu quả. Cụ thể, năm 2000 trường áp dụng đào tạo 210 tín chỉ, năm 2008 giảm xuống còn 180 tín chỉ. Năm 2012 giảm còn 150 tín chỉ. Sắp tới đây khi áp dụng chương trình mới dự kiến sẽ giảm còn 120 tín chỉ.

Tuy nhiên, với điều kiện giáo dục của VN, trường sẽ giảm thời gian đào tạo xuống còn 4 năm hoặc 3,5 năm chứ không thể nào ở mức 3 năm như các nước trên thế giới. Ông nói: “Đối với các trường kỹ thuật, phải sử dụng theo phương pháp tiếp cận CDIO. Tức là, trường mời các bên liên quan: giám đốc công ty, xí nghiệp, cựu sinh viên, những người liên quan đến ngành nghề đào tạo để cho họ vẽ ra bức chân dung của người kỹ sư, cử nhân trong thời đại mới cần được trang bị những kiến thức gì, kiến thức nào cần bỏ đi, kể cả kỹ năng mềm, thái độ nghề nghiệp… Sau đó, trường mới tiến hành lập các ma trận đối sánh để đưa tích hợp vào các môn học. Bây giờ môn học không còn đơn ngành như trước nữa. Thời đại mới cần những môn phức hợp trong chương trình, phối hợp nhiều môn với nhau”.

“Giảng đường VN ở thế kỷ 19, người thầy ở thế kỷ 20 còn sinh viên thì ở thế kỷ 21” –  PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận xét như vậy khi cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc cải cách chương trình đào tạo, để đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của sinh viên thời đại hội nhập, cần phải có sự thay đổi hàng loạt từ giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng tự học, ứng dụng công nghệ thông tin… Sự thay đổi này, không phải một sớm một chiều mà có được, khi chương trình đào tạo truyền thống còn nhiều bất cập như hiện nay.