Hội thảo có chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế” vào ngày 17/8 tới.
Hội thảo có sự tham dự của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi, thảo luận và đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
>>> Danh sách trường đại học xét tuyển bổ sung chỉ tiêu trong tháng 8, 9/2018
Tại Hội thảo, trường Đại học Quốc gia TPHCM sẽ chia sẻ các kinh nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và thành quả về đánh giá chất lượng và xếp hạng quốc tế.
Thực tiễn triển khai công tác đảm bảo chất lượng tại Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy, đảm bảo chất lượng bên trong đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định. Hoạt động này cần được quan tâm xây dựng và phát triển trước khi thực hiện đánh giá/kiểm định chất lượng bởi các tổ chức bên ngoài.
Việc kiểm định chất lượng là yêu cầu bắt buộc, đồng thời là cơ hội tốt để cơ sở giáo dục thực hiện trách nhiệm giải trình, cải tiến chất lượng liên tục và đẩy nhanh tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, hoạt động này cần được định hướng phù hợp, tránh tình trạng “chạy đua thành tích” hoặc thực hiện đối phó.
Thực trạng mất cân đối hiện nay trong hệ thống văn bản hướng dẫn Nhà nước giữa “đảm bảo chất lượng bên trong” và “đánh giá ngoài” có thể dẫn đến nguy cơ các cơ sở giáo dục tập trung nguồn lực cho đánh giá ngoài mà thiếu quan tâm đến các yếu tố nội tại mang tính nền tảng, từ đó ý nghĩa của công tác đánh giá ngoài bị nhận thức sai lệch…
Với việc tuân theo quy trình đảm bảo chất lượng linh hoạt, chặt chẽ, hoạt động đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM đã không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng.
Từ năm 2015-2017, 05 trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảng đường trường Đại học Quốc tế (Ảnh: LH)
Riêng Trường Đại học Bách khoa đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn HCERES và AUN-QA. Trường Đại học Bách khoa là một trong 4 trường đại học khối ngành kỹ thuật của Việt Nam đạt chuẩn chất lượng của châu Âu và là trường đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn AUN-QA cấp CSGD và chuẩn ABET cấp CTĐT.
Trong tháng 11/2018, trường Đại học Quốc tế thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tham gia đánh giá ngoài bởi AUN-QA. Theo lộ trình đã được Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Quốc gia phê duyệt, đến năm 2022, tất cả các trường thành viên ĐHQG-HCM sẽ được đánh giá cấp trường bởi AUN-QA.
Đặc biệt, từ năm 2016, Đại học Quốc gia TPHCM đã tham gia xếp hạng đại học quốc tế thông qua việc cung cấp các số liệu chính thức nhằm khẳng định chất lượng đào tạo cũng như đạt được sự công nhận quốc tế.
Năm 2017, lần đầu tiên Đại học Quốc gia TPHCM vươn lên xếp hạng 142 châu Á theo bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds), tăng 5 hạng so với năm 2016. Năm 2018 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Đại học Quốc gia TPHCM khi lần đầu tiên xuất hiện trong Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2019 (The QS World University Rankings) và được xếp vào nhóm 701-750.
Ngoài nội dung chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia TPHCM, tại hội thảo sắp tới, các chuyên gia giáo dục cũng sẽ chia sẻ về phát triển đại học tư thục, tái cơ cấu giáo dục đại học, đào tạo đại học và việc làm… nhằm góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban trong việc thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định những chính sách phát triển giáo dục đại học tương xứng với vị trí, vai trò của trình độ đào tạo này, đặc biệt là xây dựng được nguồn dữ liệu phục vụ việc thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2018).