Hội thảo khoa học quốc gia STAIS 2024 lần thứ 3 do trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đăng cai tổ chức vào ngày 24 - 25/8/2024.
Hội thảo là nơi các nhà khoa học và chuyên gia cùng chia sẻ những thành tựu mới nhất, thảo luận về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh trong Công nghiệp 4.0; cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ứng dụng của công nghệ mới trong cuộc sống hiện đại.
Hội thảo hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để giải quyết những vấn đề xã hội, qua đó, tạo thành một diễn đàn chia sẻ kiến thức, kết nối cộng đồng, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Tiến Thủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường - trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, với 142 bài báo của 300 tác giả từ các trường đại học trong và ngoài nước đã khẳng định sự quan tâm của các nhà khoa học và chuyên gia đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong công nghiệp 4.0.
Sau quá trình triển khai phản biện nghiêm túc, ban tổ chức lựa chọn được 103 bài chiếm tỷ lệ 72,5% để trình bày trong hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Tiến Thủy hy vọng, các nhà khoa học và chuyên gia sẽ cùng chia sẻ những thành tựu nghiên cứu mới nhất, thảo luận các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh, cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ứng dụng thông minh với các chủ đề đa dạng.

Tại phiên toàn thể, GS.TSKH. Bùi Văn Ga giới thiệu bài tham luận về ứng dụng năng lượng hydrogen trong phương tiện giao thông, những ưu điểm của nhiên liệu này và thách thức khi ứng dụng trong thực tế.
Hydrogen được sản xuất từ nước và năng lượng mặt trời, vì vậy hydro thu được còn gọi hydro nhờ năng lượng mặt trời. Nước và ánh nắng mặt trời có vô tận, vì vậy, hydrogen là nguồn nhiên liệu vô tận, sử dụng từ thế kỷ này qua thế kỷ khác bảo đảm an toàn năng lượng cho loài người mà không sợ cạn kiệt, không thể có khủng hoảng năng lượng và bảo đảm độc lập về năng lượng cho mỗi quốc gia.
Việc ứng dụng hydrogen trên phương tiện giao thông trong tương lai sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, do phát thải CO2 thấp trong quá trình sử dụng nên nguồn nhiên liệu này được đánh giá là khả thi nhất khi các quốc gia nỗ lực đưa phát thải ròng về 0 - GS.TSKH. Bùi Văn Ga chia sẻ.
Tại hội thảo STAIS 2024, nhiều bài báo của các nhóm nghiên cứu và nhà khoa học về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh trong giao thông vận tải như kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, xây dựng và quản lý công trình, Logistics, vận tải đa phương thức, cảng biển và hàng hải, năng lượng, môi trường, cùng với nhiều chủ đề khác.
Hội thảo khoa học quốc gia STAIS là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2022.
Sự kiện lần đầu được tổ chức vào năm 2022 do trường Đại học Thủ Dầu Một đăng cai tổ chức với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông minh trong công nghiệp 4.0 thành phố thông minh và phát triển bền vững”.
Năm 2023, Hội thảo quốc gia STAIS 2023 lần thứ hai được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (thành phố Vinh).
Hội thảo quốc gia STAIS năm 2024 do trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cùng phối hợp tổ chức.