Kết thúc xét tuyển đợt 1, nhiều trường tiếp tục "giành giật" thí sinh

(VOH) - Kết thúc hôm nay 19/8, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 hoàn tất nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường để xác nhận nhập học. Nhiều trường sẽ thở phào nhẹ nhõm vì đã gọi đủ số thí sinh, một số trường tuyển được 2/3 chỉ tiêu hoặc ít hơn lại bắt đầu "giành giật" thí sinh ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh nộp hồ sơ tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành. 

Kì xét tuyển… nhẹ nhõm

Trái với không khí căng thẳng của những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 năm 2015, đợt xét tuyển năm nay diễn ra khá nhẹ nhàng, thuận lợi vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn “nuông chiều” thí sinh.

Mỗi thí sinh năm nay chỉ được đăng ký vào hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, đặc biệt là không được rút hồ sơ. Đó là điểm đáng ghi nhận ở mùa tuyển sinh năm nay.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhận định, quy trình xét tuyển ĐH-CĐ năm nay được đổi mới và cải tiến nhiều từ khâu nhận hồ sơ đến xác nhận nhập học, quy định trúng tuyển, tạo ra sự thuận lợi khá lớn cho thí sinh.

“Các em có những công cụ, đặc biệt là công cụ trực tuyến để nộp, xác nhận hồ sơ. Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển, các em vẫn có thể suy nghĩ để tìm hiểu chọn trường, chọn ngành phù hợp hơn. Theo quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ phương án này vì nó tạo cuộc chơi sòng phẳng cho thí sinh” – Thạc sĩ Sơn chia sẻ.

Về phía các trường, có thể nói, mùa tuyển sinh 2016 gần như đã về đích, khi cuộc đua còn lại thuộc về một số ít trường công và nhiều trường ngoài công lập, trường địa phương.

Vẫn lo thí sinh ảo

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1, khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường, vì vậy thực trạng thí sinh ảo là tất yếu. Điều này đã khiến cho nhiều trường thấp thỏm lo âu vì không biết thí sinh trúng tuyển có nhập học không.

Các trường phải lên nhiều phương án để chống ảo và mỗi trường làm mỗi kiểu theo kinh nghiệm.

Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc gọi thí sinh nhập học bao nhiêu để chống “ảo” thì hoàn toàn các trường không thể biết trước được, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trường thuộc tốp trên hay tốp dưới, số thí sinh đăng ký ngành giữa các trường thế nào…

Tiến sĩ Dũng cho biết: “Đa số các trường vừa làm vừa run, sợ rằng nếu thí sinh không đủ sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ nhà trường. Bởi vì hiện nay, lương Nhà nước rất ít, đa số sống bằng nguồn học phí là chính nên các trường rất lo. Tuy nhiên, trường cũng chịu áp lực của Bộ GD-ĐT đó là phải tuyển đủ chỉ tiêu chứ không được gọi nhiều hơn. Nếu vượt quá chỉ tiêu sẽ bị phạt, điều này tạo nên tâm lý lo lắng cho các trường”.

Khó khăn của các trường như vừa nói, không đồng nghĩa với việc không ủng hộ đổi mới của Bộ bởi nó đem đến lợi ích cho người học, đồng thời là cách để các trường nhìn nhận lại giá trị thương hiệu. Những trường có lượng thí sinh quan tâm nhiều, nộp hồ sơ nhiều, đồng nghĩa với uy tín và thương hiệu của trường lớn. 

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: “Hơn ai hết, chính các trường ĐH-CĐ sẽ biết độ hấp dẫn, thu hút của các ngành qua sự thu hút của thí sinh để đưa ra tỷ lệ gọi cũng như xác định điểm chuẩn hợp lý”.

Nên để trường tự chủ

Hiện nay Bộ GD-ĐT tiếp nhận những đóng góp ý kiến của các địa phương và trường cho phương án tuyển sinh năm 2017. Theo Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được đánh giá cao, trong đó xây dựng quy trình xét tuyển tương đối tốt nhưng về lâu dài nên giao quyền tự chủ hơn cho các trường.

“Hiện nay có cái khó là xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia thì gần như các trường phải dựa trên hệ thống dữ liệu Bộ GD-ĐT kiểm soát. Nếu Bộ chuyển dữ liệu này cho từng trường, các trường tự chủ động tổ chức xét tuyển, sẽ giúp cho các trường chủ động hơn trong việc đăng ký, chỉnh sửa sai sót thí sinh sẽ chủ động hơn”.

Ông Trương Tiến Sỹ đề xuất thêm, Bộ GD-ĐT nên thống nhất một loại cụm thi duy nhất thay vì tồn tại cụm thi quốc gia và cụm thi địa phương như hiện nay. Về lâu dài, nên chuyển kỳ thi THPT Quốc gia về cho các địa phương tự tổ chức bên cạnh đó là các tiêu chí để Bộ giám sát, các trường có thể yên tâm sử dụng dữ liệu thi  để xét tuyển.