Kêu gọi bảo vệ nguồn nước sông Mê Kông

(VOH) - Sáng 29/5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Khoa Sư phạm – Đại học Cần Thơ và Đại sứ Quán Thụy Điển đã phối hợp tổ chức chương trình hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở  Việt Nam”.

Đây là diễn đàn đối thoại đa phương – chuyên gia, báo giới và cộng đồng, nhằm tạo ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu gây ra.

Thiệt hại về sinh kế và những lo ngại mà cư dân đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu là minh chứng rõ nét cho thấy sự cần thiết các bên liên quan xem xét lại tính cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường bền vững trong khu vực.

TS Dương Văn Ni  - Đại học Cần Thơ cho biết, khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000 ha lúa nước, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu đô la Mỹ trong năm 2015-2016. Đây là hậu quả của việc con người tác động vào dòng chảy sông Mê Kông khiến cả vùng lưu vực đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vô cùng to lớn.

Nhà báo Thụy Điển ký tên vào bảng thông điệp “Hãy chung tay cứu lấy dòng sông Mê Kông và nông dân của chúng ta”. 

Cùng chia sẻ quan điểm, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long, đã cảnh báo về tình trạng sử dụng nguồn nước thiếu bền vững ở thượng nguồn, cụ thể là các dự án đập thủy điện và chuyển dòng khiến Mê Kông có nguy cơ trở thành dòng sông “chết”.

“Trước tiên do tác nhân thiên nhiên và con người làm cho phù sa giảm đi và gia tăng sạt lở dẫn đến nguy cơ làm mất đất sản xuất, mất đất sinh hoạt, buộc người dân phải đi chỗ khác. Thứ hai là sự thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, mà thủy sản là nguồn dinh dưỡng cho người dân, khi nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng sẽ làm cho sức khỏe và thu nhập của người dân giảm sút rất nhiều. Đồng thời sự thay đổi của hệ sinh thái làm cho hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường và sự đông đảo về giống loài sẽ thay đổi rất lớn” - PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết.