Kỳ 2: Ngọn lửa nghề cháy mãi trong tim

(VOH) - Với lòng yêu nghề tha thiết, tâm huyết với nghề dạy học, nhiều giáo viên của miền biên giới đã nguyện gửi trọn thanh xuân, gửi trọn cuộc đời mình nơi bản xa để giảng dạy cho các em học sinh.

Nghe bài viết: 

Trong cái lạnh giá của mùa đông, Phạm Thị Thủy, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Na Ngoi 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhúng chiếc khăn vào thau nước ấm rồi lau mặt cho học trò của mình. Những đôi mắt tròn xoe nhìn cô giáo, đôi bàn tay ngoan khoanh lại chào khách lạ.

Cô giáo Thủy chia sẻ hơn 8 năm làm việc ở nơi này, những đứa trẻ chính là động lực để cô ở lại: “Em cảm thấy là mình cần phải gắn bó với đây nhiều hơn, em thường xuyên dạy lớp 1 có nhiều em thì rất bé, nhiều bỡ ngỡ, nhưng mà các em cố gắng vượt lên, có những em học lớp 1 chỉ khoảng 15 kg, chân đất, manh áo mỏng manh nhưng ngày nào cũng đến trường học hăng say.

Có lần thì các em hỏi, cô ơi cô có lạnh không thì cô trả lời các em rằng, cô lạnh nhưng biết các em cũng rất lạnh, các em phải cố gắng rồi sẽ có nhiều thay đổi” 

Những bộ quần áo lấm lem bùn đất, đôi dép chiếc thì cụt mỏ chiếc thì đứt nửa thân sau, nhưng sự chăm chỉ của những đứa học trò nghèo lớn lên giữa vùng cao quanh năm gió lạnh, nắng cháy khiến cho những người thầy dù cả ngàn lần muốn trở về xuôi mà vẫn day dứt không thể quay lưng đi được.

Hầu hết các thầy cô vào thời điểm nhận nhiệm vụ khoác ba lô lên đường, đều chưa thể tưởng tượng được rằng, rồi mình sẽ bén rễ ở vùng đất xa xôi ấy.

Thầy Nguyễn Thành Long, quê ở Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tá Bạ, tỉnh Lai Châu cũng từng nghĩ rằng chỉ 2-3 năm sau sẽ trở về xuôi nhưng rồi gần 20 năm trôi qua thầy vẫn ở đó tạm gác hạnh phúc riêng của mình để gắn bó với biết bao thế hệ học trò.

Hỏi thầy làm thế nào để vượt qua những ngày tháng vất vả, thầy ngẫm một lát rồi nói, chắc chỉ có thể bởi vì lòng yêu nghề, quý việc gieo mầm tri thức mà thành: “Sau khi học xong sư phạm thì tôi quyết tâm xin lên vùng cao Tây Bắc để công tác với ý định chỉ 2-3 năm rồi sau đó chuyển về xuôi.

Thế nhưng trong quá trình mới thầy nơi này họ thực sự vất vả, vất vả hơn rất nhiều nơi khác. Mà ở đâu cũng có thể sống được thì tôi quyết định trụ lại nơi này công tác và từ đó tới nay đã được 18 năm công tác. 18 năm đó thì tôi cũng đã đi được hết các xã trong huyện.”

Ảnh minh họa

Nhớ lại những ngày đầu của thanh xuân ấy, tuy khó khăn, tuy thiếu thốn trăm bề song trong lời kể của thầy giáo Pờ Lù Chừ - Người dân tộc Hà Nhì dường như có điều gì đó rất sôi sục, nhiệt huyết.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn:”Lúc nhận công lệnh của sở giáo dục về trường, đề xuất vơi ban giám hiệu nhà trường cho tôi xin về cơ sở nào xa nhất, tình nguyện vào để chia sẻ với cuộc sống của các em. Lúc đấy trường có 8 cơ sở, cơ sở xa nhất ở khoảng 80 cây, trong đó có khoảng 50 cây đi xe và 30 cây đi bộ.

Lúc đầu vào đeo ba lô nặng 30 cân chăn màn, sách vở, gạo, mì chính, mì tôm... tự mình phải lo liệu. Nửa đường thì không bước nổi, mệt quá, mỏi chân. Nhưng không thể không bước được vì không thể ở lại dọc đường, vì bắt buộc phải đến trường. Đấy là chuyến hành trình đầy kỷ niệm nhất và cũng gùi nhiều đồ nhất”

Và thành quả lớn nhất là bất kỳ người thầy, người cô nào cũng mong muốn nhận được là những em học trò của mình giỏi giang thành đạt. Thầy Pờ Lù Chừ cho biết thêm: “Có 3 học trò đạt giải nhì giao lưu tiếng Việt toàn huyện, đó là thành quả vui nhất của em. Năm kia có 1 học trò đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Em sẽ gắng bó với nghề, với sự nghiệp giáo dục mình đã chọn đến khi mình còn đủ sức; đến bao giờ nhà nước cho nghỉ thì mới thôi. Luôn tâm huyết với sự nghiệp của mình, trái tim của mình đặt vào đấy để yêu nghề, yêu việc; để có các em học trò tương lai tốt đẹp hơn”

Không chỉ có thầy giáo Pờ Lù Chừ có trái tim cháy hết với nghề, mà thầy Phương, cô Huyền, Thầy Long, cô Thủy, Cô Hạnh... cùng nhiều giáo viên của miền biên giới đã nguyện gửi trọn thanh xuân, gửi trọn cuộc đời mình nơi bản xa: “Đối với em thì chỉ trừ những trường hợp được điều động đi chỗ khác thì em mới đi thôi, còn lại em gắn bó ở đây. Em rất tự hào được đứng trong hàng ngũ của người giáo viên.

Tâm nguyện của chúng em là các thầy cô gắng bó ở đây với khả năng, kết hợp với các ngành địa phương, các tổ chức khác để hỗ trợ cho các cháu một tinh thần tự tin hơn”. “Với trách nhiệm của người thầy thì tôi chỉ biết nỗ lực, cố gắng cùng với đồng nghiệp của mình chia sẻ, dành hết tâm huyết của mình với trách nhiệm mình là người thầy, người cô để giúp đỡ các em”…

Khi tóc thầy bạc tóc em hãy còn xanh – Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi. Thời gian rồi sẽ nhuộm màu lên tóc, làn da nhăn nheo theo năm tháng, tuổi xuân đã qua đi – chỉ duy nhất tình yêu của những người thầy với học trò thì vẫn còn ở đó. Có lẽ, dù ở đâu đi chăng nữa thì người lái đò vẫn lặng lẽ với sự nghiệp trồng người. Trái tim người thầy, lửa lòng của những người cô, có lẽ vẫn chảy mãi như nước con suối trên ngàn chưa bao giờ cạn, cây trên rừng chưa bao giờ hết xanh.