Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Không đặt nặng thành tích để giảm áp lực cho thí sinh

(VOH) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia phải giảm áp lực, an toàn, công bằng khách quan, tạo niềm tin cho xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến về thi Trung học phổ thông quốc gia và Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 diễn ra sáng nay (14/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi phải giảm áp lực, an toàn, công bằng khách quan, tạo niềm tin cho xã hội.

Giảm tối đa áp lực cho thí sinh

Năm 2019 là năm thứ 5 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng đại học. Thống kê có 887.000 thí sinh tham gia kỳ thi năm 2019 với 2,5 triệu nguyện vọng. Trong đó, 74% thí sinh đăng ký xét tuyển, 26% thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.

Thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, thi THPT Quốc gia 2019

Các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến về thi Trung học phổ thông quốc gia và Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019

Để kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc, năm nay thí sinh trung học phổ thông sẽ thi chung với thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên với tỷ lệ tối thiểu 60% học sinh trung học phổ thông tại mỗi điểm thi. Các điểm thi trong cụm được yêu cầu phải bố trí cơ số phòng chờ, đảm bảo an toàn công tác in sao vận chuyển lưu trữ đề thi, cũng như lắp camera theo quy định.

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực, UBND Tỉnh Quảng Ninh, mặc dù quan tâm tổ chức kỳ thi nhưng các địa phương cần tránh gây áp lực quá lớn cho thí sinh. Hiện, xã hội đang hướng dần đến phổ cập trung học phổ thông, nên kỳ thi không cần quá nặng nề.

Theo ông Hậu nhà trường cố gắng thoát khỏi tâm lý thành tích bởi nếu quá nặng về thành tích dẫn đến trong quá trình điều hành công việc sẽ có vần đề.

"Tôi cho rằng, thành tích mình cứ để khách quan. Nếu gây áp lực thành tích sẽ chính là gây áp lực cho học sinh. Có 2 yếu tố gây áp lực cho học sinh là gia đình và nhà trường. Cần tuyên truyền làm sao để thấy kỳ thi không quá nặng nề", ông Hậu nói.  

Tại TPHCM, năm nay có hơn 71.000 thí sinh tham dự kỳ thi tại 111 điểm thi, huy động hơn 4.100 cán bộ giảng viên của các trường đại học.

Chuẩn bị cho kỳ thi, ngoài công tác chuyên môn, ngành giáo dục còn phối hợp với Thành đoàn hỗ trợ các thí sinh, đặc biệt các thí sinh học tại các trường ngoài công lập phần lớn từ các tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định cố gắng tạo điều kiện thuận lợi và thoải mái nhất cho thí sinh.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng thi THPT Quốc gia chắc là không áp lực lắm với thí sinh, vì tỷ lệ và khả năng đậu tốt nghiệp THPT quốc gia là trong tầm tay các em.

Tuy nhiên, mỗi học sinh còn có nguyện vọng vào các trường đại học, cho nên áp lực là không thể tránh khỏi. Chúng ta làm thế nào để công bằng, khách quan, tất cả thí sinh cả nước đều có điều kiện thi và xét công bằng như nhau. Đó là mong muốn của tất cả phụ huynh học sinh cũng như các điểm thi trên cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định cố gắng quyết tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc kỳ thi, đảm bảo công bằng khách quan nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh. Để làm được điều này mỗi người phải cố gắng làm đúng, làm tròn trách nhiệm của mình, trong công tác luôn xác định "phòng là chính".

Phải công bằng, khách quan

Mỗi kỳ thi luôn có những điểm đổi mới, công tác tập huấn, thanh tra kiểm tra cần phải được tiến hành đầy đủ, đúng quy trình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác chuẩn bị dù chu đáo đến mấy cũng không được chủ quan. Bất kỳ sự chủ quan nào đều nguy cơ dẫn đến sai sót.

"Không có gì tốt hơn bằng truyền thông từ chính các thầy các cô. Các đồng chí giám đốc sở giáo dục làm việc với hiệu trưởng, trao đổi với thầy cô trong công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thi rất nhẹ nhàng, bám sát đề thi tham khảo. Từ đấy phụ huynh sẽ an tâm, không nặng nề, thái quá dẫn đến tâm lý kỳ thi căng thẳng. Với tinh thần ấy, tôi tin và yêu cầu rằng kỳ thi năm nay phải đạt được mục tiêu, giảm áp lực an toàn, công bằng khách quan, tạo niềm tin cho xã hội", Bộ trưởng Nhạ lưu ý.    

Học sinh “Đua xe theo cách của NASA” – “Balloon Car – STEAM Challenge” - Cuộc thi “Đua xe theo cách của NASA” – “Balloon Car – STEAM Challenge” dành cho các em học sinh yêu thích khoa học có tổng trị giá giải thưởng lên đến 700 triệu đồng.

Hơn 1.000 sinh viên được tặng bình nước tái sử dụng nhiều lần - Trong khuôn khổ giải Việt dã truyền thống “The Open Run năm 2019”, trường Đại học Mở TPHCM tặng cho hơn 1.000 sinh viên - vận động viên tham gia chạy, những bình nước tái sử dụng nhiều ...

Bình luận