Nhiều giáo viên cho rằng đề thi hay, mở ra cho thí sinh nhiều lựa chọn.
Bài thi Ngữ văn được nhiều thí sinh đánh giá không quá khó, phù hợp với khả năng của phần lớn học sinh. Các em tự tin với khả năng làm bài của mình.
Các thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành bài thi môn đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM.
Thí sinh Hoàng Đình Tiến, lớp 9/4, Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, cho biết: đề khá vừa tầm với học sinh hiện nay. Phần 1 đọc hiểu văn bản, nghị luận văn học nói về tình cảm của ông Hai trong tác phẩm Chiếc lược ngà, tình cảm gia đình. Một đề khác nữa là nói về những bài thơ hay có thể truyền được, mở cửa được tâm hồn của học sinh. Nghị luận xã hội nói về ứng phó của giới trẻ hiện nay với những người nổi bật hơn mình.
Cấu trúc đề thi gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung đề nằm trong những kiến thức trọng tâm của chương trình. Tuy nhiên, cả 3 phần đều mở cho học sinh có cơ hội trình bày suy nghĩ riêng của mình. Giáo viên Nguyễn Ngọc Phù Dung, Trưởng bộ môn Ngữ văn 9, Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10, cho rằng đề hay, mang tính giáo dục cao và tính nhân văn sâu sắc. Câu hỏi mang tính phân hoá học sinh chủ yếu nằm ở câu 1 với yêu cầu phân biệt điểm chung và điểm khác biệt của 2 văn bản. Riêng phần văn nghị luận văn học các em đều đã được ôn trong chương trình nên không mang tính phân hoá nhiều.
"Để làm tốt cho đề thi này, thứ nhất các em phải có kỹ năng xác định giới hạn của đề bài. Trong câu số 1 cũng xác định rất rõ phép liên kết câu ở đoạn 1, văn bản 2. Nếu không xác định kỹ giới hạn đó mà tìm chỗ khác là mất điểm. Tương tự, trong câu 2 có 4 hình, em hãy chọn 1 trong 4 hình. Nếu chọn cả 4 hình là không đúng với yêu cầu của đề bài", giáo viên Nguyễn Ngọc Phù Dung lưu ý.
Cùng quan điểm đề thi Ngữ văn khá hay, phù hợp với yêu cầu thi tuyển sinh, giáo viên Phan Thị Xuân, Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn, cho rằng câu 1 phần đọc hiểu năm nay khó hơn so với các năm trước.
"Đề nghị luận xã hội 2 năm nay có tính chất gợi mở cho các em có cơ hội để lựa chọn. Tùy theo lựa chọn mà biết được quan điểm của mỗi em. Quan trọng không phải học sinh chọn hình ảnh cái cây nào mà khi viết em lập luận chặt chẽ để thấy được quan điểm của mình. Trong câu 1 có phần c, chỉ ra điểm chung và điểm khác nhau. Điểm chung các em nhìn ra khá dễ dàng, nhưng điểm riêng nếu các em không tinh tế, sâu sắc thì có thể không nhìn ra. Còn câu "có thể lúc nào việc thách thức bản thân cũng giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp", cũng gợi mở hướng lựa chọn. Có khi mình thay đổi tốt hơn nhưng cũng có những thách chức không tốt, các em cũng có thể nêu quan điểm riêng của mình từ câu này", giáo viên Phan Thị Xuân bình luận.
Chiều 2/6, các em tiếp tục kỳ thi tuyển sinh 10 bằng bài thi Ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.