Làm sao để đại học và doanh nghiệp gắn kết hiệu quả trong đào tạo nhân lực?

VOH - Sáng 26/5, Diễn đàn Phát triển hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp với chủ đề ‘Vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp’ đã được tổ chức.

Tại diễn đàn, chia sẻ về hoạt động hợp tác doanh nghiệp của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) – PGS. TS. Mai Thanh Phong – Phó hiệu trưởng cho biết, Trường hiện có mạng lưới khoảng hơn 100 đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: THACO, BOSCH, SIEMENS, Dow Chemical, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Portcoast, Điện Quang…

Hoạt động liên kết với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp và tuyển dụng mà mở rộng các hợp tác nghiên cứu phát triển, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp, đồng hành cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ và sinh viên Trường.

Bằng hình thức này, trường đã triển khai hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp lên đến 98%, trong khi 2% còn lại tiếp tục học lên các bậc học cao hơn hoặc đi du học nước ngoài. Đáng chú ý, một số ngành học thuộc khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, có tới 80-90% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp.

nguồn nhân lực
Sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)

Xem thêm: Chỉ có 26-28% lao động Việt Nam qua đào tạo

PGS. TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, Trường hiện cũng mở rộng hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong đào tạo, hướng nghiệp và việc làm, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tài trợ các hoạt động của nhà trường…

Sự hợp tác, thấu hiểu lẫn nhau giữa doanh nghiệp và trường đại học giúp sinh viên được đào tạo kiến thức, kỹ năng phù hợp với thực tiễn, mở rộng cơ hội việc làm, trong khi đó doanh nghiệp tận dụng khả năng nghiên cứu của nhà trường, phối hợp với các giảng viên trong trường để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp…

Sự hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cho tới nay hoạt động hợp tác này chưa thực sự đi vào chiều sâu và các trường cũng chưa đủ nguồn lực để phát triển mối quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều khía cạnh với doanh nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ, kích hoạt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tham gia xã hội hoá, đồng hành với giáo dục đào tạo cũng như cơ chế chính sách thúc đẩy cả hai phía nhà trường và doanh nghiệp hợp tác vẫn chưa đủ mạnh.

PGS. TS Võ Thị Thúy Anh nhận định, hiện chưa có chính sách hỗ trợ về miễn giảm thuế, thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội hay tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động đồng hành đào tạo nguồn nhân lực; chưa yêu cầu mức độ đóng góp, hỗ trợ chia sẻ của các trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Những điều này khiến cho việc phối hợp giữa đại học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ và chưa phát huy hết hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá, việc gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Ngoài việc giúp các chương trình đào tạo không lạc hậu so với thực tế, việc hợp tác này còn thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, tạo cơ hội việc làm tốt nhất cho sinh viên sau khi ra trường…

Về phía doanh nghiệp, khi tham gia vào hoạt động giáo dục, doanh nghiệp sẽ dễ dàng “chiêu mộ” nguồn nhân lực đầu vào chất lượng, có khả năng đáp ứng công việc cao, tối giản quy trình tuyển dụng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp từ các trường tại diễn đàn này để có cơ sở hoàn thiện các cơ chế quản lý về giáo dục nghề nghiệp theo hướng phù hợp và thiết thực hơn. Từ đó, việc đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học sẽ có sự đồng bộ, sâu sát, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.