"Lớp học số" từ TPHCM hỗ trợ 8 trường học tại các tỉnh

VOH - Sáng 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết Triển khai thực hiện mô hình "Lớp học số".

Hội nghị có sự tham dự trực tuyến của các tỉnh cùng triển khai lớp học số như Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh…

Năm học 2022-2023, TPHCM tổ chức thí điểm "Lớp học số" môn Tin học, tiếng Anh ở lớp 3 các trường Tiểu học Thạnh An (Huyện Cần Giờ) và trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Huyện Củ Chi) tại, với mục đích giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023 – 2024, mô hình tiếp tục được mở rộng tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố, đồng thời mở rộng đối tượng học sinh tham gia tiết học - gồm học sinh của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).

Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạnh An (Xã đảo Thạnh An, Huyện Cần Giờ) nêu thực tế: “Trường  Tiểu học Thạnh An thuộc địa bàn vùng sông nước khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định. Giáo viên đến công tác tại Thạnh An luôn có nguyện vọng về đất liền. Thực hiện hiệu quả lớp học số giải quyết hiệu quả 2 bài toán: thiếu giáo viên và ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong nhà trường.”  

khen-thuong-cac-ca-nhan-don-vi-dong-gop-cho-mo-hinh-lop-hoc-so_20250109150227
Khen thưởng các cá nhân, đơn vị đóng góp cho mô hình "Lớp học số" - Ảnh: Tuyết Nhung

Năm học 2024-2025, "Lớp học số" được triển khai theo mô hình 1 trường của TPHCM hỗ trợ 1 trường ở tỉnh bạn, với 8 trường của TPHCM hỗ trợ 8 trường tỉnh bạn (gồm trường Cao Văn Ngọc – huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; trường Tung Chung Phố tỉnh Lào Cai và các trường ở tỉnh Điện Biên gồm trường Thị trấn Mường Áng, Tả Sìn Thàng; Nậm  Chua; Quảng Lâm; Phì Nhừ; Mường Khương).

Mô hình “Lớp học số” không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà còn giúp giảm áp lực về nguồn tuyển giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học của các trường tiểu học trong toàn thành phố cũng như ở các tỉnh bạn.

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học chia sẻ: “TPHCM không phải là không có những địa bàn khó khăn. Nếu xét về tỷ lệ dân số độ tuổi đi học cấp tiểu học, việc thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học là một câu chuyện phức tạp và khó khăn cho TPHCM khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sự năng động của đội ngũ quản lý, giáo viên, đã kịp thời có những phương án, phương thức thực hiện, để làm sao việc thiếu giáo viên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy học.”

ong-nguyen-bao-quoc-pgd-so-gd-dt-tphcm_20250109150227
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi sơ kết - Ảnh: Tuyết Nhung.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng mô hình "Lớp học số" là giải pháp sáng tạo mang lại nhiều lợi ích và cần sự chung tay của các đơn vị. TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh bạn trên tinh thần căn cơ. Các phòng chuyên môn của sở sẽ rà soát, hướng dẫn tính toán chế độ hỗ trợ cho giáo viên tham gia dạy trực tuyến, tăng cường trang bị phòng học số cho các trường học để đẩy mạnh mô hình lớp học số.

Ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin: “Mô hình "Lớp học số" bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thông qua hoạt động học mà chơi, chơi mà học, thông qua những tương tác giữa giáo viên - học sinh trong quá trình giảng dạy, tổ chức lớp học, giúp cho không khí học tập trở nên cởi mở.

Ngoài ra, tiết học được cũng được giảng dạy và chuẩn bị bởi các giáo viên giỏi, có kiến thức chuyên môn vững vàng, giúp đồng nghiệp ở các khu vực khác nhau có thể nâng cao  tay nghề. Từ đó, giúp cho chất lượng giáo dục các đơn vị giáo dục cùng phát triển.”

Bình luận