Năm 2030: TPHCM muốn thu hút 40-50% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề

VOH - Từ năm 2025-2030, TPHCM muốn thu hút 40-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó 30-35% là nữ.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, UBND TPHCM đặt ra nhiều mục tiêu về việc thu hút người học nghề.

TPHCM xác định việc phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Nhiều mục tiêu được đặt ra nhằm phát triển nhanh GDNN nhằm ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển của thành phố trong từng giai đoạn.

học nghề
TPHCM muốn thu hút 40-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: T.Huy

Theo đó, đến năm 2025, thành phố dự kiến sẽ thu hút từ 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào GDNN, trong đó học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 45-50% và 35%.

Đến năm 2025, có ít nhất 30% cơ sở GDNN và 30% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý quản trị hiện đại.

Bên cạnh đó, Thành phố phấn đấu có 4 trường đạt chất lượng cao, 3 trường trên địa bàn tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, khoảng 10 ngành nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN. Đến năm 2030, số trường chất lượng cao sẽ nâng lên thành 10.

Tầm nhìn đến năm 2045, GDNN thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về GDNN trong nước, trong khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực ngành nghề đào tạo.

Xem thêm: Học nghề tiết kiệm thời gian, kinh phí, sớm ra nghề

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch trên, TPHCM đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó, việc đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN là giải pháp đột phá.

Thành phố sẽ có chủ trương thành lập các hội đồng phát triển GDNN, gồm đại diện các cơ sở GDNN, doanh nghiệp đầu ngành, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện người lao động, người sử dụng lao động và đại diện các tổ chức, cá nhân liên quan đến ngành nghề nhằm xây dựng, đề xuất các tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn kỹ năng nghề của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.

Thành phố cũng ưu tiên phát triển chương trình đào tạo các ngành nghề mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, CĐ.

Việc gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động cũng là một giải pháp quan trọng. Cụ thể, tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ người học tìm việc sau tốt nghiệp. Ngoài ra, còn đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Bình luận