Nam giáo viên Thái Hồng Duy tiết lộ con đường đến với nghề nuôi dạy trẻ

(VOH) - Thái Hồng Duy là một trong số những giáo viên nam hiếm hoi chọn nghề chăm sóc nuôi dạy trẻ. Anh vừa đạt giải Ba Giáo viên mầm non giỏi cấp Thành phố.

Chỉ mới có 4 năm công tác trong ngành, người giáo viên này đã khẳng định được năng lực chuyên môn cũng như giúp mọi người thay đổi cách nhìn về nghề dạy trẻ mầm non. Đặc biệt, sự xuất hiện của giáo viên nam trong lớp mầm non còn giúp trẻ nhìn nhận một cách hài hòa về giới, từ đó phát triển một cách toàn diện hơn.

VOH có cuộc trao đổi với giáo viên Thái Hồng Duy, Trường Mầm non 19/5, Quận 1, Giải Ba Giáo viên mầm non giỏi cấp Thành phố, về con đường đến với nghề cũng như những nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công tác nuôi dạy trẻ.

Thái Hồng Duy là một trong số những giáo viên nam hiếm hoi chọn nghề chăm sóc nuôi dạy trẻ.
Thái Hồng Duy là một trong số những giáo viên nam hiếm hoi chọn nghề chăm sóc nuôi dạy trẻ.

*VOH: Xin chào thầy giáo mầm non Thái Hồng Duy, Duy có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa một chàng trai đến với nghề giáo viên mầm non khá vất vả này ạ!

Thái Hồng Duy: Cơ duyên đến với ngành chắc do bản thân yêu trẻ. Yêu trẻ con, mình mới chọn ngành này. Nếu không yêu thì chắc chắn khi không trúng tuyển ngành này, ngành kia thì mình cũng chọn một con đường khác, phù hợp với mình hơn.

*VOH: Chọn nghề mầm non chắc hẳn Duy cũng gặp nhiều khó khăn khi bản thân là nam lại chưa từng chăm con nhỏ?

Thái Hồng Duy: Bản thân các cô giáo đã khó khăn rồi huống chi tôi là nam, đến với ngành mầm non lại khó khăn hơn.

Đầu tiên là phụ huynh có sự dè chừng, không tin tưởng, không biết thầy có làm được hay không. Trong nhận thức của mọi người, mầm non là chỉ có các cô. Năm đầu tôi được nhà trường phân công dạy lớp nhỏ. Bản thân tôi cũng rất bỡ ngỡ. Bé nhỏ thì hay khóc, mà mình không có kỹ năng gì về dỗ em bé. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực, quan sát các cô công tác thì mình học hỏi. Cuối cùng năm học đó tôi công tác ở lớp nhỏ là lớp cơm thường (từ 25 đến 36 tháng), tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Cũng rất vui khi các con thương mình, gần gũi với mình. bản thân cũng thấy tự tin hơn trong việc "quản" học trò.  

*VOH: 4 năm trong nghề, không biết kỷ niệm đáng nhớ nhất của Duy với nghề là gì, có thể chia sẻ với các độc giả của đài được không ạ?

Thái Hồng Duy: Qua các năm học, tôi tiếp nhận các bé với nhiều tính cách khác nhau nhưng các con đến trường đều rất vui. Có một bé, mình không nghĩ là con mến mình như vậy. Một ngày ba bé đưa bé đi học. Con cầm một bịch bánh trên tay. Ba bé nói đưa bịch bánh ba đem về, chiều rước mang theo cho con ăn, nhưng bé không đồng ý và nói cái này là con mua vô cho thầy Duy ăn cùng con. Tại vì thầy Duy làm mệt lắm, đổ mồ hôi nhễ nhại, con muốn cho thầy Duy ăn.

Khi tổ chức các hoạt động trong nhà trường, mình mệt, có một bé rất tình cảm hỏi thăm "Thầy Duy có mệt không? con lấy nước cho thầy Duy uống nhé!". Những công việc đó, mình không bắt trẻ làm cho cá nhân của mình. Sự quan tâm của các con làm cho mình yêu nghề hơn.  

*VOH: Cùng chung các bậc học khác, khoảng thời gian dịch bệnh vừa qua gây khó khăn không ít cho bậc học mầm non, Duy cùng đồng nghiệp đã vượt qua như thế nào?đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Thái Hồng Duy: Cả nước, toàn xã hội, toàn Thành phố đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mầm non cũng bị ảnh hưởng. Các con không thể đến trường chính bản thân tôi cũng không thể dạy các con trực tiếp, online nhưng được sự chỉ đạo của ngành, của trường, giáo viên thực hiện những clip đơn giản hướng dẫn các con học tập vui chơi tại nhà. Bên cạnh đó, tôi còn giữ vai trò là bí thư chi đoàn ở cơ quan. trong công tác, tôi lan toả sự sáng tạo cho các đồng nghiệp là những đoàn viên trẻ trong việc xây dựng những clip đơn giản và sử dụng những ứng dụng trên điện thoại để tạo ra các clip mang đến cho các con sự hứng thú với các hình ảnh chuyển động.   

*VOH: Như vậy, thời điểm hiện tại, sau dịch việc dạy học cho trẻ mầm non cần quan tâm những gì?

Thái Hồng Duy: Sau dịch công tác chăm sóc trẻ sẽ khác do giai đoạn ở nhà nghỉ dịch, những kỹ năng của các con bị mất dần. Trẻ nhà trẻ lên lớp mầm kỹ năng tự phục vụ không có. Ở nhà, ba mẹ thường làm dùm cho các con cho nhanh. Phụ huynh lại bận rộn với công việc nên cũng không có thời gian để giáo dục những kỹ năng tự phục vụ cho các con. Cho nên, khi vào trường, đầu tiên cũng không ép các con vào các hoạt động liền, nhưng bước đầu mình ổn định nề nếp. Bên cạnh đó sẽ tập cho các con kỹ năng tự phục vụ cần có, làm sao cho các con tự lập tốt. Trên cơ sở đó, giáo viên xây dựng những hoạt động phù hợp trên cơ sở những hoạt động hướng dẫn các em trên các clip đã cung cấp. Những kỹ năng, kiến thức khó hơn, mình đem vào tiết dạy trực tiếp này để củng cố cho các con. Từ đó, mình xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, làm sao vẫn đảm bảo những yêu cầu cần đạt, ở lứa tuổi đó để các con có thể lên được cấp lớp cao hơn. 

*VOH: Được biết, Duy vừa được vinh danh là một trong 50 giáo viên mầm non dạy giỏi cấp Thành phố, tham gia cuộc thi, Duy đúc kết điều gì qua kỳ thi này?

Thái Hồng Duy: Với một giáo viên trẻ mới công tác trong ngành từ 2018, nhưng năm 2020 nhà trường đã tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường. Tôi cũng là giáo viên dạy giỏi cấp trường 2 năm liền. Sau đó, tôi cũng nỗ lực đăng ký, rất vinh dự đạt được giải cao ở đơn vị. Bản thân cũng cố gắng để xây dựng tiết dạy, làm sao cho các con hứng thú với tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm. Mình chỉ gợi mở và cho các con có thể tự trải nghiệm, tự khám phá. Tiết học của tôi đã tạo được tình huống cho trẻ giải quyết là cho trẻ xếp gọn đồ dùng đồ chơi, từ đó hướng dẫn các con xếp gọn đồ dùng trong nhà của mình.

Muốn dạy các con, mình cần hình thành ở trẻ kỹ năng tự lập, để khi các con thấy những tình huống xung quanh mà bước đầu có thể tự giải quyết không cần đến giáo viên. Tuy nhiên, qua giáo viên, sẽ hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng hơn và hình thành những kỹ năng, kỹ xảo, thành thói quen. Trẻ con bây giờ kỹ năng tự phục vụ, tự lập là một trong những kỹ năng quan trọng.

*VOH: Những năm tháng đầu đời có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của mỗi con người?

Thái Hồng Duy: Những năm đầu đời của trẻ như tờ giấy trắng. Dù vào lớp có thể bé khóc, la, nhưng đó chính là cảm xúc của bé. Mình chính là những người góp phần hình thành nhân cách cho bé. Nếu giáo viên yêu cầu quá cao so với trẻ thì chắc chắn con không đạt được. Nhưng bây giờ, trẻ được khám phá nhiều thứ xung quanh, mình giáo dục trẻ theo điều trẻ cần, qua đó nhân cách trẻ được hình thành thông qua người giáo viên. Nếu giáo viên yêu thương trẻ hết lòng thì chắc chắn nhân cách  trẻ sẽ hình thành sự bao dung, sự yêu thương. Cho nên những năm đầu tiên rất quan trọng để hình thành nhân cách cho trẻ.    

*VOH: Cám ơn Duy!