Chờ...

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Phần 2)

(VOH) - Dù đối mặt với khó khăn về phía người học lẫn tổ chức lớp học, công tác đào tạo nghề tại các huyện ngoại thành đang xác định những hướng đi mới với những hỗ trợ hiệu quả.

Bài 2: Những tín hiệu vui từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Gần một năm nay trên con đường dẫn về xã Bình Lợi, một xã thuần nông của huyện Bình Chánh, xuất hiện tiệm sửa xe nhỏ đông đúc khách ra vào của một thanh niên trẻ tuổi, anh Nguyễn Mạnh Quân. Tiệm sửa xe không chỉ là kết quả sau quá trình học nghề mà còn là sinh kế, là niềm tin của một thanh niên nông thôn đã có lúc rất mơ hồ về tương lai của chính mình.

Mới 27 tuổi nhưng Quân đã trải qua thời gian làm công nhân ở khu chế xuất, rồi về địa phương chăn bò với thu nhập khá bấp bênh. Cuộc sống của anh bắt đầu sang trang khi được địa phương vận động tham gia lớp học nghề sửa chữa xe gắn máy tại Trường Trung cấp nghề Trần Đại Nghĩa.

Kết thúc khoá học, được sự hỗ trợ của gia đình, tiệm sửa xe nhỏ nhưng khá đông khách trên vùng đất thuần nông được hình thành. Anh Quân cho biết thu nhập từ tiệm sửa xe vẫn ổn hơn so với làm công nhân nhưng mình có nghề để trải nghiệm, về sau sẽ phát triển hơn. 

Một lớp dạy nghề sữa chữa cơ khí

Một lớp dạy nghề sữa chữa cơ khí.

Đây chỉ là một trong số hàng chục ngàn trường hợp được tham gia học nghề và có việc làm sau khi học. Thống kê trong 5 năm gần đây, thành phố đã tổ chức dạy nghề cho gần 46.000 lao động nông thôn. Đáng mừng là gần 90% số người tham gia đào tạo có việc làm.

Để có được kết quả đáng khích lệ đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã có những định hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế. Các mô hình dạy nghề phù hợp với điều kiện vốn có của địa phương được nhân rộng: trồng rau an toàn, nuôi cá kiểng ở huyện Bình Chánh; sản xuất muối trên ruộng trải bạt, nuôi tôm, chăm sóc rừng, thuyền trưởng, máy trưởng ở huyện ven biển Cần Giờ; hay kỹ thuật trồng hoa lan, nghề thú y  ở huyện Củ Chi...

Về ngành nghề đào tạo cho lao động nông nghiệp tại các huyện ngoại thành, bà Hoàng Thị Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, tập trung dạy các ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

“Các quận huyện có thể chọn những ngành nghề phù hợp, gắn với các vùng sản xuất hàng hoá lớn, có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Mai khuyến nghị.

Bên cạnh đó, để việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu người lao động hơn, các huyện còn rà soát thiết kế lớp học phù hợp với ngành nghề người dân đang mưu sinh. Bà con tham gia được cấp chứng chỉ nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn cho công việc hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Liêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh cho biết, có một số người hoặc đi làm phụ hồ một thời gian có thể lên thợ luôn. Phòng đang thống kê lại số người có việc làm từ 2 năm mà chưa qua học lớp nghề nào, để cấp chứng chỉ cho họ, như vậy họ  mới có được tay nghề.

Những năm gần đây đời sống kinh tế khu vực ngoại thành dù đã được nâng cao nhưng nhìn chung mặt bằng dân trí chưa đều. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn một mặt phải vượt qua những trở ngại về trình độ học vấn của học viên không ngang nhau, một mặt phải đáp ứng yêu cầu hiểu nghề, thạo nghề.

Vì vậy, ông Trần Minh Phụng, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Củ Chi, cho biết kết cấu các chương trình dạy nghề đã điều chỉnh nâng cao tỷ trọng giờ học thực hành từ 60% lên 70%. Các đối tượng lao động nông thôn không đồng nhất trong một lớp, có người học lớp 9, lớp 10 nhưng cũng có người học lớp 3, lớp 5. Vì vậy, nhà trường phải chuyển đổi nhiều phương pháp.

Ngày xưa mình nói lý thuyết thì mơ hồ lắm nhưng khi chuyển sang hướng dẫn thực hành, cầm tay chỉ việc thì bà con làm được ngay. Trong quá trình giảng dạy, lớp đó có học viên, nông dân đang thực hành trồng cây hay chăn nuôi. Khi  cây trồng vật nuôi bị bệnh hay có vấn đề gì xử lý không được thì vô lớp, nêu vấn đề, học viên và giáo viên cùng giải đáp thắc mắc, chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau.

Tại một sàn giao dịch việc làm ở TPHCM

Tại một sàn giao dịch việc làm ở TPHCM

Để tạo cơ hội có được việc làm sau khi đào tạo, hàng năm huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thành phổ mở sàn giao dịch việc làm để nhu cầu của người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn dễ dàng găp nhau.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, trong vòng 1 năm nay huyện đã tổ chức được 5 sàn giao dịch việc làm.

”Trong ngày đó ai có nhu cầu về việc làm thì các xã huy động về. Các hội viên của Hội Nông Dân, Phụ Nữ có nhu cầu việc làm cũng huy động về. Các doanh nghiệp tư vấn và có sẵn hồ sơ luôn.

Ví dụ những ngành nghề phù hợp, những nhu cầu mà doanh nghiệp thiếu mà các bạn đáp ứng được thì làm hồ sơ và doanh nghiệp nhận vào làm luôn", bà Tuyết cho biết.

Việc nâng cao số lượng lao động nông thôn được qua đào tạo và có việc làm còn được địa phương thực hiện qua hình thức giới thiệu, hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động. Số vốn này được người lao động sử dụng làm kinh phí tham gia các khoá dạy nghề - ngoại ngữ ngắn hạn tại trung tâm, đơn vị kết nối, cung cấp nguồn nhân lực. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, phần lớn lao động đều có nguồn vốn tích luỹ cũng như mối quan hệ, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.

Trung bình mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TPHCM giảm hơn 1.000 hecta. Trong khi hiện còn hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực này. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng lớn cũng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế dần sang công nghiệp dịch vụ trở thành bước đi quan trọng để phát triển kinh tế thành phố.

Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách hiệu quả và đúng hướng không chỉ giải quyết bài toán thu nhập cho người dân ngoại thành mà còn cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho thành phố phát triển.

>>>> Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Phần 3)