Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Phần 3)

(VOH) - Ông Nguyễn Văn Lâm,Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời phỏng vấn về định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Bài 3: Chuyển biến mạnh mẽ trước yêu cầu mới

Gắn với tình hình thực tế địa phương để đào tạo, đón đầu các yêu cầu thực tế của xã hội để mở lớp, hướng đến những ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao... là những định hướng mà công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ thực hiện nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM 

*VOH: TPHCM có tốc độ đô thị hoá rất cao, việc đào tạo  nghề để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của lực lượng lao động trẻ nông thôn là một yêu cầu cấp thiết. Thời gian qua công tác này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông ?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Với tốc độ đô thị hoá hiện nay ở TPHCM có một lượng lao động nhất định không còn đất để sản xuất, mà họ phải được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Trong năm 2015, 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2017 chúng tôi đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trên tổng thể, chúng tôi tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức: các phương tiện thông tin báo chí, chương trình phát thanh hàng tuần trên VOH và HTV... tạo nhận thức để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể năm 2017, đến giờ này, chúng tôi đã đào tạo được 11.672 trên chỉ tiêu 12.000, đạt hơn 97%.

Từ giờ đến cuối năm có lẻ sẽ đạt và vượt chỉ tiêu này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là chạy theo số lượng chỉ tiêu, mà là đào tạo cho người lao động, để họ có thể tiếp cận công việc một cách nhanh nhất, tạo việc làm, thu nhập ổn định.

Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi có 2 hướng:

Một là đào tạo nghề theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực này, Sở NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm. Và hướng tập trung với tư cách là cơ quan thường trực của UBND TP về đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, chúng tôi bàn và hướng vào đào tạo những nghề để sản xuất giống cho vật nuôi cây trồng chất lượng cao, để sử dụng trong diện tích đất nông nghiệp nhỏ, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Song song đó, định hướng chuyển đến các tỉnh bạn còn đất nông nghiệp những giống cây con để cùng phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ở trong vùng trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai là  đối với nghề phi nông nghiệp, chúng tôi sẽ khảo sát các nhà máy, xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn để xác định nhu cầu tuyển dụng của họ. Từ đó, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có hướng đào tạo cho phù hợp. Với người lớn tuổi, phụ nữ trên 40 tuổi, chúng tôi sẽ tổ chức những lớp để có thể vừa học vừa làm tại nhà ví dụ: làm tóc, nấu ăn... để phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Hiện nay, tỷ lệ lao động học xong có việc làm ở khu vực 5 huyện ngoại thành khá cao, trên 80%, số còn lại bà con tự tìm công việc khác phù hợp hơn. Điều này cho thấy hướng đào tạo của mình đã đi đúng hướng và đáp ứng được yêu cầu xã hội.

*VOH: Tuy nhiên, chắc hẳn có những hạn chế, khó khăn nhất định phải không, thưa ông ?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Tất nhiên, trong lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn, ngoài tuyên truyền còn phải tạo nhận thức cho người học. Mà việc này không phải ngành lao động hay ngành nông nghiệp làm được mà cần có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị.

Một bộ phận nhỏ lao động nông thôn hiện nay chưa muốn đi học nghề. Ví dụ, ở một hộ gia đình có đất, hiện nay cho thuê nhà trọ. Người trong độ tuổi lao động họ không đi học nghề mà ở nhà quản lý nhà trọ. Đó cũng là một công việc sinh lợi, nhưng về lâu dài, tạo cho họ cái nghề là chưa đạt được. Đây cũng là một trong những dạng khó khăn mà chúng tôi gặp phải.

Hướng tới, chúng tôi sẽ bàn bạc với hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, thanh niên... tổ chức tuyên truyền sâu rộng. Hình thức tuyên truyền trực quan chứ không tuyên truyền trên bề nổi.

Có nghĩa là vận động ở khu phố, tổ nhân dân, tuyên truyền những người hiện nay chưa có việc làm ở khu vực 5 huyện ngoại thành ra những lớp dạy nghề. Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cập nhật giáo trình dạy theo nhu cầu thực tế ở địa phương mình đang có, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Khó khăn này tôi nghĩ là có nhưng chúng ta sẽ khắc phục được trong thời gian tới.

Ứng viên tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức. Ảnh: NGÂN HÀ

*VOH: Việc đào tạo nghề cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, ngoại thành thành phố có những đặc điểm yêu cầu như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, Sở LĐTB&XH và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Sở cũng phải đứng trước đòi hỏi dạy cái gì? đáp ứng ra sao cho nhu cầu tương lai khi mà họ hội nhập?

Ở nông thôn ngoại thành hiện nay, như đã nói, nghề nông nghiệp thì chúng tôi sẽ tập trung đào tạo cho nghề nông nghiệp mà có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Ví dụ: trồng cây ngắn ngày, nuôi cá kiểng có giá trị xuất khẩu cao. Còn những nghề đáp ứng ở các doanh nghiệp nhà máy, chúng tôi sẽ  cập nhật lượng kiến thức tin học cần thiết để người học có thể thích ứng được với điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nói cách khác là thích ứng trong điều kiện diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ví dụ, trước đây, tưới nước bằng thủ công thì bây giờ tưới bằng hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển thông minh. Họ phải học để biết cái tính năng, cách điều khiển hệ thống tưới thông minh đó. Chúng tôi sẽ làm ở những dạng như thế, để phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá của thành phố và đáp ứng phần nào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

*VOH: Để đáp ứng được yêu cầu nhân lực của thành phố, định hướng đào tạo nghề nông thôn sắp tới sẽ có những thay đổi như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Để đáp ứng yêu cầu nhân lực của thành phố cho lực lượng lao động nông thôn, chúng ta cần tập trung vào những điểm lớn.

Với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phải xác định mũi nhọn hiện nay ở khu vực mình đang giảng dạy, nhu cầu xã hội đang cần nghề gì. Phải có đầu tư trang thiết bị giảng dạy cho thích ứng. Giáo trình soạn phải phù hợp với thực tế và tiệm cận được ngay với công việc khi học xong, đảm bảo tính bền vững lâu dài. 

Với người học, tôi nghĩ rằng với mặt bằng dân trí hiện nay nói chung của TPHCM và của 5 huyện ngoại thành nói riêng đã được nâng cao một bước rất đáng kể. Đời sống vật chất của người dân được khá hơn rất nhiều qua chương trình nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc học tập suốt đời cần được tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho người học có định hướng học cho mình, học cho nghề, học để có tương lai ổn định cho cuộc sống gia đình của mình. Tôi nghĩ tổng hoà các yếu tố khách quan đó sẽ giúp lao động nông thôn chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn 2017-2020. 

*VOH: Cảm ơn ông !

Bình luận