Nếu thi THPT quốc gia không còn “hai trong một”: Thách thức để các trường đại học đổi mới tuyển sinh

(VOH) - Nếu như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 chỉ phục vụ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều trường đại học cao đẳng sẽ phải lên phương án tuyển sinh ngay từ bây giờ.

Đối với các trường lâu nay chỉ dựa vào kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển có thể là một thách thức lớn: tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này hay chuyển sang phương thức tuyển sinh khác. Đây cũng là lúc để các trường thể hiện sự tự chủ trong tuyển sinh của mình hơn nữa bằng việc chủ động trong công tác xét tuyển đầu vào. 

 thi THPT, tuyển sinh, đại học

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2018.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 không phục vụ đồng thời hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở cho các trường xét tuyển nữa; mà nhấn mạnh mục đích chỉ phục vụ xét tốt nghiệp THPT. Với thông tin này, liệu các trường đại học có kịp trở tay?

Thực tế, từ khi có kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học đã dựa vào kết quả từ kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển. Điều này chứng tỏ kết quả kỳ thi này tin tưởng, có độ phân hóa giúp cho các trường đại học có thể đảm bảo được yêu cầu đầu vào cho trường mình.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho hay, nhiều năm nay trường xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh. Bên cạnh đó là dành một tỷ lệ phần trăm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ và thí sinh từ các trường chuyên. Năm tới, trường đang nghiên cứu Đề án tuyển sinh riêng của trường: "Theo đó, có thể xét kết quả THPT quốc gia là một tiêu chí. Học bạ lớp 12 hay học bạ cả ba năm cấp ba là một tiêu chí nữa. Có một tiêu chí nữa có thể là năng lực tiếng Anh. Đó là những tiêu chí mà trường sẽ cân nhắc. Mỗi tiêu chí xét tuyển đó chiếm trọng số bao nhiêu trường cũng đang tính toán”.

Đối với hình thức học bạ THPT, hiện một số trường đại học vẫn dành một tỷ lệ từ 10 – 30% để xét tuyển đầu vào. Dưới góc độ chuyên gia, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM cho rằng nếu xét tuyển theo học bạ THPT thì vẫn đảm bảo đủ tiêu chí tổ hợp môn xét tuyển vào từng ngành. Điều quan trọng nhất là các em dùng tổ hợp môn xét tuyển đó là trong quá trình học phổ thông của mình. Tức là, nếu như một em học giỏi tổ hợp môn đó ở bậc phổ thông thì không có lý do nào mà khi các em học môn đó ở bậc đại học lại không có điều kiện để phát triển cá nhân mình trong lĩnh vực ngành nghề phù hợp với môn đó.

Từ thực tế tuyển sinh của trường, khi đánh giá kết quả học tập của đối tượng thí sinh được tuyển bằng xét học bạ THPT, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, kết quả học tập của sinh viên có thể tin tưởng được. Cụ thể, ứng với từng nhóm môn với điểm học bạ của quá trình ba năm phổ thông, kết quả học tập hiện tại tương đối phù hợp với số điểm xét học bạ ban đầu của người học. Đến thời điểm hiện tại, khóa đầu tiên xét tuyển từ học bạ sắp ra trường và cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Vì vậy, trong năm tới, trường vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ THPT, đồng thời vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

“Hướng thứ ba của trường là lấy kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc của một số trường có sử dụng kết quả đánh giá chung cho những ngành đào tạo tương ứng với nhà trường. Bởi vì trong thời gian ngắn, nếu trường xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực sẽ rất khó với trường. Cho nên trường vẫn duy trì các phương thức tuyển sinh truyền thống. Thực sự nhà trường rất mong trong thời gian tới, Trung tâm Khảo thí cấp quốc gia sẽ được hình thành thì kết quả đánh giá đầu vào cho các trường đại học sẽ tốt hơn rất nhiều", Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Thực tế, một số trường đại học vài ba năm trở lại đây đã tự xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, phục vụ cho yêu cầu tuyển chọn người học phù hợp. Đơn cử, trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia TPHCM, đã tổ chức thi đánh giá năng lực hai năm nay. Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã chính thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên sử dụng kết quả bài thi này cho việc xét tuyển.

Triển khai khá sớm kỳ thi đánh giá năng lực, Trường Đại học Luật TPHCM xét tuyển dựa vào ba tiêu chí, bao gồm học bạ; kết quả kỳ thi THPT quốc gia và bài thi năng lực do trường ra đề. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM, đánh giá về kỳ thi đánh giá năng lực của trường chia sẻ, kinh nghiệm từ các nước cho thấy  rằng mỗi trường đại học đều có yêu cầu riêng, đối với mỗi ngành nghề, năng lực, kỹ năng và thậm chí là tính cách của từng sinh viên. Cho nên kỳ kiểm tra năng lực đầu vào của nhà trường là hướng tới những điều trên, trường tuyển được đúng thí sinh cho mình. 

“Tôi lấy ví dụ, có trường hợp những em học rất giỏi ở phổ thông, học bạ rất tốt nhưng đến ngày thi THPT quốc gia có nhiều yếu tố khác nhau làm cho tinh thần các em không được minh mẫn, ảnh hưởng sức khỏe nên kỳ thi đó em làm bài không tốt. Vậy, nếu như chúng ta chỉ căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia, rơi vào dịp sức khỏe các em không tốt thì sẽ oan cho thí sinh đó. Cho nên, chúng tôi lấy điểm học bạ ba năm, lấy điểm thi THPT quốc gia, điểm bài thi năng lực. Ba điểm số này ở ba thời điểm khác nhau, thì xác suất may rủi của thí sinh hầu như không còn nữa”, Thầy Hải cho biết thêm.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT mới đây chia sẻ với báo chí cũng đã khẳng định, định hướng đề thi THPT quốc gia năm tới sẽ được thiết kế nhằm đánh giá mức độ học vấn phổ thông của thí sinh. Đề thi gồm các câu hỏi mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển, hoặc sử dụng các phương thức tuyển sinh khác. “Nếu kỳ thi này còn đủ đảm bảo độ tin cậy, phân hóa được thì hơn 300 trường đại học cao đẳng sẽ sử dụng kết quả để tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả của các trường rất đa dạng. Nhiều trường chỉ dùng làm sơ tuyển, nhiều trường kết hợp cả phỏng vấn, đánh giá năng lực thêm”, ông Trinh nói.

Như vậy, việc các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đang theo đúng tinh thần của kỳ thi, đó là sử dụng kết quả thi làm căn cứ để xét tuyển. Đặc biệt, theo hướng của kỳ thi THPT quốc gia năm tới chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, đòi hỏi các trường đại học phải đa dạng các phương thức tuyển sinh. Có thể, việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ giảm trọng số trong các phương thức tuyển sinh, thay vào đó là các phương thức tuyển sinh mới sẽ được các trường đại học tùy vào nhu cầu tuyển sinh của nhà trường mà áp dụng./.

Bình luận