Cũng tại ngôi trường này, học sinh tự trang trí lớp học theo sở thích, tự quản lý và giữ gìn lớp học. Các em tự do chơi thể thao trong sân trường, mở loa nghe nhạc trong lớp hay biểu diễn văn nghệ ở hàng lang. Ngôi nhà thứ hai của các em mà chúng tôi nhắn đến, chính là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, TPHCM. Dạy các em trở thành những con người bình thường, nhưng không “tầm thường”, sống tử tế biết yêu thương… là triết lý giáo dục mà ngôi trường này hướng đến...
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5. Ảnh: internet
Một sáng cuối năm, chúng tôi đến thăm Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An. Cảm giác đầu tiên là ngôi trường “sang” từ khoảng sân không một cọng rác, cho đến hành lang sạch bong, tận khu nhà vệ sinh vừa được xây mới tiện nghi. Chính khoảng sân rộng rãi ấy, mái che di động được trang bị để khi mưa các em có chỗ đứng đợi phụ huynh đón khỏi ướt, trời nắng các em kéo bạt che khi chơi thể thao, sinh hoạt ngoài trời.
Ấn tượng tiếp theo là các lớp học đều được trang trí theo một cách rất riêng. Đầu năm học, Ban giám đốc Trung tâm giao toàn bộ tài sản trong lớp cho thầy và trò tự quản lý. Học sinh được tự ý trang trí lớp theo ý thích của mình, kết quả lớp nào cũng sắc màu sinh động. Học sinh Gia Huy, lớp 11 hào hứng chia sẻ slogan “Bình thường nhưng không tầm thường” của lớp em: “Mỗi lớp đều có một phong cách riêng của mình nên mỗi lớp đều tự trang trí riêng cho mình. Thứ nhất, nó tạo không gian học và tạo động lực học cho tụi em, có những câu slow-motion để cho cả lớp mỗi lần nhìn vào là cố gắng học. Lớp em là “Bình thường nhưng không tầm thường – Có công mài sắt có ngày nên kim”. Em còn tham gia hoạt động từ thiện đến với những người không có nơi nương tựa, quyên góp sách bán để ủng hộ trẻ mồ côi. Em thấy vui vì mình giúp được một phần nào đó vào đời sống, chia sẻ một phần niềm vui cho họ”.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm luôn bị chen ngang, bởi tiếng học sinh í ới thưa, gọi, xin gặp thầy đề xuất cái này, cái nọ cho lớp, kể cả năn nỉ, nhờ vả thầy… làm chúng tôi thêm ấn tượng về khoảng cách thầy – trò ở ngôi trường này. Em Phạm Kim Ngân - đại diện một nhóm học sinh lớp 11A9 rón rén đưa thầy bài báo cáo hoạt động trải nghiệm thực tế ở Cần Giờ với lý do: “Thầy nộp cho cô dạy Địa dùm con, con sợ nộp trễ cô la”. Một nhóm nam sinh khác đi qua khoanh tay thưa thầy, chào cả người lạ. Nhóm bạn khác cũng gặp thầy để góp hoạt động cho lớp. Một nhóm đang diễn văn nghệ tranh thủ “rủ rê” thầy lên hát.
Chia sẻ về lý do vào học ở Trung tâm này, Phạm Kim Ngân tâm sự, mọi người thường nghĩ học sinh vào học hệ giáo dục thường xuyên vì học dở, thế nhưng cũng có nhiều lý do khách quan khác nhau để các em lựa chọn ngôi trường này: “Môi trường ở đây tốt, không bị ràng buộc về điểm số hay tạo áp lực cho học sinh, nên nhìn chung môi trường ở đây ổn với tụi em. Em nghĩ học ở môi trường nào cũng vậy, miễn mình còn đi học là mình còn tiến lên được, dù giáo dục thường xuyên hay trung học phổ thông em nghĩ cũng không có vấn đề gì, miễn là mình học là được. Em thấy thầy có nhiều thay đổi theo ý kiến của học sinh nên tạo điều kiện cho các bạn có những sân chơi này nọ, cũng hay lắm”.
Còn học sinh Huệ Lâm thì hào hứng cho biết: “Đối với tụi em, những hoạt động này cho em được học hỏi, để cho lớp càng gắn bó hơn với nhau. Em cảm thấy nó rất ý nghĩa. Em cũng có ý kiến đóng góp những hoạt động cho trường, nói với thầy về việc tổ chức các hoạt động thể thao cho các bạn tham gia. Thầy rất lắng nghe tụi em nói”.
Điều gì đã làm cho tình thầy trò xích lại gần nhau, hầu như không còn khoảng cách? Ông Đỗ Minh Hoàng kể, ông hầu như ít ngồi ở văn phòng của mình mà cứ loanh quanh dưới sân trường, rảo dọc hành lang, để gặp gỡ, hỏi thăm và lắng nghe các câu chuyện của các em. Mỗi ngày đều diễn ra như vậy, ông luôn hỏi học sinh của mình có vui không! Từ chuyện học đến chuyện gia đình, chuyện tình cảm tuổi mới lớn... vậy mà gặp thầy là các em nhỏ to tâm sự. Ông Hoàng thừa nhận, những ngày đầu khi mới nhận nhiệm vụ quản lý tại Trung tâm, bản thân không có kinh nghiệm ở hệ giáo dục thường xuyên. Tâm lý chung của xã hội thường cho rằng học sinh giáo dục thường xuyên thường là những học sinh không ngoan, học lực dở, dẫn đến tâm lý giáo viên, học sinh, phụ huynh của trường này cũng ít nhiều ảnh hưởng. Định kiến xã hội này buộc ông trăn trở và quyết tâm thay đổi, cùng với tập thể giáo viên, nhân viên của Trung tâm. Có ba điều mà Ban giám đốc Trung tâm phải làm cho bằng được: cơ sở vật chất trong trường sạch đẹp; không khí trường học vui; cuối cùng mới là nâng chất lượng chuyên môn.
Giáo viên Nông Thị Thu Hà, dạy Toán ở Trung tâm nhìn nhận: “Học sinh ở đây rất năng động. Những phong trào học sinh tham gia rất tốt, rất nhiệt tình. Ví dụ, trường phát động hoạt động Tấm lòng nhân ái, đưa ra chương trình thiện nguyện thì các em sẵn sàng đóng góp cả phần tiền ăn sáng vào công việc thiện nguyện. Trường đưa ra hoạt động gì các em cũng tiếp thu nhanh và làm theo, cô và trò cùng phát huy”.
Một điều thú vị khác ở Trung tâm – cũng là điều duy nhất là nhà trường gán hai chữ bắt buộc: Mỗi học sinh ở mỗi học kỳ phải làm một hành vi nhân ái. Với tên gọi Mỗi bạn mỗi ngày một hành động nhân ái, hoạt động được diễn ra liên tục thường xuyên, để hành vi nhân ái được các em thực hiện thường xuyên, lan tỏa, và trở thành một phần tính cách của chính các em. Trường quy định, cứ 5 hành động nhân ái thì các em được điểm 10 kiểm tra tiết, 10 hành động nhân ái sẽ được tặng giấy khen Học sinh có tấm lòng nhân ái. Mỗi cuối học kỳ, tên các em sẽ được dán ở bảng thông báo danh sách Học sinh có hành vi nhân ái. Đặc biệt hơn, danh hiệu này còn cao hơn, oai hơn cả danh hiệu học sinh giỏi. Vì ông tâm niệm, muốn làm người giỏi, hãy làm người tốt trước đã, phải trở thành một người bình thường nhưng sống đàng hoàng: “Ví dụ, ở đề thi học kỳ 1 môn Giáo dục công dân có câu 2 điểm: hãy mô tả lại hành vi nhân ái em đã thực hiện trong học kỳ 1. Giáo viên chuyên môn phải hỗ trợ mình phần việc này. Muốn làm một người giỏi phải làm người tốt trước đã. Các em biết kính trọng người lớn, hòa nhã với bạn, trở thành một người bình thường mà đàng hoàng. Nói chung, chuyện gì mình cũng phải giải quyết tới nơi tới chốn. Mình nghe nhiều chiều, có những cái mình làm được thì mình làm ngay, việc chưa làm được thì mình hứa sau nhưng phải làm. Có những điều học sinh hiểu không đúng, mình giải thích lại qua kênh của mình, qua kênh người khác, qua hành vi của mình. Nói chung xuất phát từ cái tâm, học trò sẽ hiểu mình, đó là từ con tim đến con tim”.
Gieo nhân ái – gặt nhân cách. Giáo dục các em – những con người rồi sẽ trưởng thành, rồi sẽ vào đời bằng lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm thấu hiểu với người khác. Mỗi con người, có được những phẩm chất ấy, có được sự đồng điệu với những hoàn cảnh khó khăn, để cùng cảm thông nâng đỡ và chia sẻ cho nhau, chẳng phải đó là những giá trị mà xã hội đang tìm kiếm từng ngày. Những điều ấy, ắt hẳn không bằng cấp nào mua được! Lại càng thấm thía triết lý giáo dục của Trung tâm, trước khi thành người giỏi, các em hãy trở thành người tốt, thành người tử tế.