Ngổn ngang nhiều yêu cầu đặt ra cho năm học mới

(VOH) - Bạo lực học đường, xây dựng trường lớp tại các khu dân cư, khu chế xuất, nâng cao chất lượng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý trong Hội nghị chuyên đề chuẩn bị năm học mới do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào sáng 15/8.

Các đại biểu đều ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống trường lớp trong thời gian qua, cũng như đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hình thức sáng tạo. Đặc biệt, thành phố đã đi đầu trong công tác giảng dạy anh văn và tin học.

Tuy nhiên, qua khảo sát, các đại biểu vẫn lo ngại nhiều về tình trạng nhóm lớp mầm non hoạt động không phép, nhiều hộ gia đình hồ sơ pháp lý không đủ điều kiện vẫn nhận giữ trẻ. Không ít trường hợp người giữ trẻ không có kiến thức nuôi dạy trẻ, nhiều nhóm trẻ có điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn, chủ yếu cho trẻ ăn - ngủ và hoạt động tự do. Trong khi đó, nhiều khu dân cư mới hình thành nhưng chủ đầu tư không đầu tư xây trường lớp dẫn đến quá tải hệ thống trường lớp.

Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Dành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố yêu cầu: "Thực tế cho thấy những khu xây dựng mới không bao giờ chịu xây trường lớp. Đất cho trường theo quy định của Ủy ban cũng không được để lại. Tôi đề nghị Sở và Mặt trận Tổ quốc can thiệp với Ủy ban, buộc chủ dự án, các chung cư phải xây dựng trường lớp. Hiện nay chúng ta chỉ nói thôi mà không có biện pháp chế tài".

Ông Nguyễn Hữu Dành đề xuất có biện pháp chế tài đối với những khu dân cư không dành đất xây dựng trường lớp

Nhiều đại biểu cũng lo ngại trước tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra. Nhiều vụ học sinh đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng tuy không được báo cáo nhưng vẫn ghi nhận thường xuyên tại các bệnh viện. Sự chênh lệch số học sinh hạnh kiểm yếu ở các cấp học cho thấy có sự thay đổi khác nhau về đặc điểm phát triển tâm sinh lý theo lứa tuổi.

Giáo sư, tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đông A đề nghị ngành giáo dục khảo sát, đánh giá lại hiệu quả các hoạt giáo dục đạo đức: "Giáo dục lối sống nhân cách, đạo đức, lý tưởng có rất nhiều hoạt động: Đoàn, Đội, những ngày lễ lớn... nhưng cụ thể mang lại được những gì cho học sinh? Tôi thấy bạo lực học đường vẫn còn. Vấn đề này có ảnh hưởng từ giáo dục, dĩ nhiên có cả gia đình nhưng chúng tôi muốn biết những điều đã làm tốt sẽ ảnh hưởng thế nào đến đạo đức, lối sống của các em với con số cụ thể".

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng, bạo lực trong học sinh không diễn ra trong nhà trường mà hầu hết diễn ra bên ngoài nhà trường. Sở Giáo dục - Đào tạo ghi nhận 2 trường hợp bạo lực bên ngoài nhà trường tại huyện Củ Chi, giữa học sinh với học sinh và giữa phụ huynh với nhau. 

"Trong mỗi nhà trường, chúng tôi vẫn kiên quyết đề nghị có đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý. Vừa có đội ngũ giám sát kỷ luật, vừa giáo dục về tư tưởng, có sự phối hợp với gia đình và xã hội".

Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho rằng, năm học mới, cũng là năm thứ 2 áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Vì vậy, xã hội yêu cầu cần khắc phục những hạn chế của kỳ thi vừa qua:

"Lần đầu tiên ra đề thi dưới dạng trắc nghiệm cho nên đề dễ. Những em học giỏi và không giỏi điểm như nhau. Những em học không giỏi nhưng được điểm ưu tiên nên được vào đại học, còn em học giỏi nhưng không có điểm ưu tiên thì phải rớt.

Điều này làm "lệch" nguồn nhân lực đào tạo nếu cứ tiếp tục thi kiểu này. Bao nhiêu em ở thành phố sẽ được vào đại học? Năm đầu tiên thông cảm nhưng năm thứ 2 phải nâng cao chất lượng, độ khó bài thi lên để em nào đủ năng lực thì đỗ, không đủ năng lực thì rớt", ông Nhựt đề nghị.