Đó là một trong những giai đoạn đáng nhớ của cuộc đời người cha - đã 18 năm đồng hành cùng cô con gái không được toàn vẹn.
Ông Đồng Tiến Hạnh (Quận Bình Thạnh, TPHCM) – người cha trong câu chuyện này giờ tóc bạc, gầy gò, mặt đầy những nếp nhăn – vẫn ngày ngày đưa đón con gái đi học, là bạn của con, là người cổ vũ để con nỗ lực sống và học tập như một người bình thường.
Ngồi chờ cô con gái học hết 4 tiết buổi sáng để đón con về - ông Hạnh, cha của Đồng Yến Nhi, tân sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM trầm ngâm nhớ về ký ức của 18 năm trước.
Thời điểm đó, vợ ông đi khám bệnh mà không hề biết mình mang thai. Bác sĩ kê cho rất nhiều thuốc điều trị. Nhưng rồi khi đi khám lại, một bác sĩ khác cho biết, “vợ ông đã có thai 4 tháng” và với những loại thuốc đã uống theo đơn “chắc chắn đứa bé sẽ dị tật”.
Bác sĩ đưa ra hai trường hợp, nếu vợ chồng ông bỏ thai thì sẽ “nguy hiểm cho tính mạng”, còn nếu giữ thai lại “em bé sẽ dị tật”.
Giữa hai điều “đắng cay” mà bác sĩ đề nghị ông lựa chọn, vợ chồng ông chọn giữ lại con với hy vọng mong manh rằng ‘con bé sẽ được sinh ra vẹn toàn’.
Nhưng, cô bé được sinh ra mà không có đôi tai và một mắt bị lệch. Vợ chồng ông từ đó sống trong sự áy náy, đớn đau vì thương con. Cũng từ đó, họ buộc phải động viên nhau chăm sóc, dạy dỗ con dù con bé “tới 2 tuổi vẫn không nghe, không nói được”.
Châm điếu thuốc, ông kể tiếp: “Từ khi con bé ra đời, chú đi khắp các bệnh viện hỏi cách chữa trị cho con, hỏi cách chăm sóc con, cách làm sao cho con bé nghe được. Ai chửi chú ngu chú chịu, ai chửi chú khùng, chú nghe, chú chỉ cần họ chỉ cho chú cách để bé nó tốt hơn!”.
Cả quá trình đó, cũng có bác sĩ thờ ơ, cũng có bác sĩ nhiệt tình, cũng có người chà đạp lên hy vọng của ông, cũng có người cho ông niềm tin để cùng con cố gắng.
Ông còn nhớ, có một bác sĩ nói rằng, khả năng nghe của bé Nhi khó chữa nhưng vẫn có một số trường hợp hạn hữu trẻ đã nghe được nếu luyện “nghe âm thanh sống”, đó là nghe mọi âm thanh thực tế của cuộc sống này chứ không phải nghe qua máy nghe.
Và đó là khi ông bắt đầu chặng đường nhiều năm cho con nghe “âm thanh sống”.
Ông nhớ lại: “Hồi đó, chú làm việc cho một công ty thang máy. Chiều nào chú cũng xin nghỉ làm sớm để về đón con, cho con ăn, tắm rửa cho con rồi chở con đi khắp Sài Gòn. Cứ chỗ nào ồn ào nhất, chớp đèn rực rỡ nhất chú dừng lại để con bé ngắm nhìn và tập nghe âm thanh sống”.
Con gái không nói được, không nghe được nhưng “lúc nào chú cũng trò chuyện với nó dù đó thực sự chỉ là độc thoại. Chú nói cho con bé nghe đủ thứ, tả con nghe về xung quanh rồi hỏi “nghe không con?”, “đẹp không con?”, “hay không con?” – với niềm hy vọng, một ngày nào đó con bé sẽ nghe được”.
“Một ngày, khi chú về tới cổng nhà và gọi “Nhi ơi”, con bé đang xem tivi giật mình quay ra nhìn bố. Đó là lúc chú nhận ra, con bé đã bắt đầu nghe được. Con bé thực sự nghe được sao sau 2 năm ròng rã cùng bố nghe âm thanh của cuộc sống?”.
Kể đến đây, ánh mắt của ông bớt trầm tư hơn và lóe chút hi vọng: “Lúc đó, chú đưa con đi khám lại và bác sĩ kết luận ‘bé bị điếc nhưng vẫn nghe được’. Chú nổi đóa, vì sao có chuyện kỳ cục như vậy. Bác sĩ giải thích rằng, bé không nghe được bằng tai – có nghĩa là bé điếc, nhưng bé có thể nghe được bằng hệ xương – dù không thể nghe rõ ràng như mọi người”.
Cuộc sống vẫn luôn trớ trêu như vậy nhưng với ông Hạnh, đó dù sao cũng là động lực cho vợ chồng ông tiếp tục một chặng đường mới.
Ông Hạnh kể: “Con bé đâu chỉ không nghe được, nó còn bị tự kỷ”. Hồi đó, ông chở cô bé tới một trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ ở gần chợ Bà Chiểu, với mong muốn xin cho cô bé vào học.
Nhưng, hiệu trưởng của trường khi đó đã kiểm tra cho bé và nói, bé bị tự kỷ nhẹ, có thể tự điều trị. “Và rồi bà ấy cho chú một chồng tài liệu dày cộp hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ. Kêu chú tự đọc, tự điều trị cho con vì như vậy tốt hơn cho bé” – ông Hạnh kể.
Thời điểm đó, do dành quá nhiều thời gian cho bé, ông bị công ty cho nghỉ việc. Ông trở thành con người của “tự do”, ai thuê gì ông làm đó, còn lại tất cả thời gian ông dành để đọc, tìm hiểu về chứng tự kỷ và chăm sóc con. Vợ ông thay ông gánh vác gia đình.
Ông kể: “Giao tiếp với trẻ tự kỷ không dễ đâu. Mình cũng phải tự kỷ theo nó để hiểu nó, cọng thun nó không nhặt lên được, mình cũng phải bắt chước không nhặt lên được. Xem cái gì đó nó cười ha ha ha, mình cũng phải cười ha ha ha… Để rồi khi nó thấy mình cũng giống nó, từ từ cha con mới kết nối được.
Khi con đã tin tưởng mình, mình mới dần điều chỉnh, tập cầm cọng thun lên - con bé thấy bố cầm được, cũng tập cầm theo. Mình làm hành động đúng đắn, nó cũng dần tập theo mình… Và cứ như thế, rất lâu, chú cùng con bé “bò ra khỏi” được cái vỏ ốc mà con bé trốn trong đó”.
Không ít người cho rằng, những điều ông làm đôi khi “điên điên, khùng khùng” – nhưng thực sự, chỉ những người làm cha làm mẹ có con khuyếm khuyết, chăm con khiếm khuyết, dạy con khiếm khuyết mới hiểu hết cho được.
Khi Nhi bắt đầu đến tuổi học tiểu học, ông Hạnh xin cho con học hòa nhập tại một trường tiểu học bình thường để con được sống, được học như các bạn.
“Lúc đó, tôi đau lòng lắm. Con đi học về, tôi hỏi “con có chơi với bạn nào không Nhi?”, con bé lắc đầu trả lời “dạ không!”. Nhiều tuần như vậy, tôi thương con lắm chứ. ‘Tôi muốn con được bình thường’ nhưng không đứa trẻ bình thường nào chịu chơi với nó. Nó cứ co cụm lại lặng lẽ như vậy” – ông buồn rầu.
Trong những tháng ngày con chập chứng đi học ấy, nỗi lo, nỗi buồn bao trùm lấy ông. Và nếu như các bậc cha mẹ khác vui vì con được điểm 10, được giấy khen thì niềm vui của ông là sau nhiều tháng đi học, con gái có bạn bè.
“Mỗi lần đón con chú lại hỏi “nay có bạn nào chơi với con không Nhi?”. Một câu trả lời “có” cũng khiến chú hạnh phúc. Rồi khi chú hỏi “bạn con tên gì”, con trả lời được tên của bạn thôi chú cũng vui cả ngày. Dần dần, bé kể được tên nhiều bạn hơn, kể về bạn bè nhiều hơn, kể được cả những điều cô dạy ở lớp – với chú đó là tất cả động lực để lớn lên cùng con bé, làm bạn thân của nó, nghe nó kể chuyện và cổ vũ cho nó” – chú Hạnh kể.
Ông Hạnh có một cậu con trai lớn – hơn bé Yến Nhi vài tuổi – và là một đứa trẻ bình thường.
Con trai ông từ bé đã tự lập, tự biết làm nhiều thứ, tự đạp xe đi học. “Đó là “đứa hiểu chuyện”, hiểu hoàn cảnh gia đình, tự lo lắng nhiều việc để bố dành thời gian lo cho em” – ông kể.
“Những nhà bình thường, con trẻ lớn lên như một cây con, đứng cạnh cây lớn là cha mẹ. Nhưng những nhà có con khuyết tật, cha mẹ buộc phải là cây cổ thụ vững chãi cho con bám vào và vươn lên như những cây leo. Con trai lớn của chú là một cây con, nhưng bé Yến Nhi là một cây leo và chú buộc phải vững chãi”.
Từ khi Yến Nhi sinh ra, ông Hạnh không thể buông lơi bé ngày nào, cũng không thể tập cho bé đi xe buýt hay tự đi học vì khả năng nghe của bé kém, phản ứng cũng chậm hơn người khác. “Chú như là điểm tựa để khi con cần có thể hỗ trợ con ngay lập tức” – ông Hạnh kể.
“Vì là học sinh học hòa nhập nên trong quá trình học, kiến thức dạy cho cô bé cũng được lược bớt. Trong các kỳ thi yêu cầu với bé cũng thấp hơn. Đó là sự ưu ái nhưng cũng không hề tốt cho con bé” – ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Hạnh mong muốn “con được học như các bạn để có đủ kiến thức, thi các kỳ thi như các bạn, nhưng vì là học sinh hòa nhập nên không thể khác hơn được”.
Trước khi có quyết định được miễn thi tốt nghiệp THPT, Yến Nhi vẫn ôn thi như các bạn bình thường – và điều mà người cha bạc tóc này buồn thấu tâm can là khi cô giáo, rồi thầy hiệu trưởng gọi điện thoại ‘vận động’ ông không cho Yến Nhi thi tốt nghiệp vì “thi cũng rớt à!”.
Với ông, đó là sự lạnh lùng – mà khi nghĩ lại khiến ông đau đớn. Là một người cha, ông mong muốn cho con học, con thi – “trượt cũng được” – con cần thi để biết được sức mình. Nếu rớt, con cũng nhận ra mình cần cố gắng hơn nữa, cố gắng để học, để làm, để không trở thành gánh nặng cho gia đình hiện tại và cho xã hội sau này.
Ông Hạnh đập tay lên ngực: “Lúc đó Yến Nhi hỏi chú “tại sao cô lại nói vậy bố?”. Chú dằn lòng nói rằng, cô nói vậy vì con lười, chưa cô gắng học thôi. Chịu khó học đi con, con sẽ thi tốt!”.
Ông Hạnh nói, dù người ngoài đánh giá hay nói thế nào thì ông cũng giấu hết những nỗi đau, sự bức bối trong lòng – để luôn nói với con đầy tin tưởng rằng: “Con cũng như mọi người thôi, chỉ nghe kém, nhìn kém hơn một chút. Con cố gắng hơn nữa là được”.
Ông không muốn con gái mình bị tổn thương bởi ngoại cảnh và rồi lại “co vào vỏ ốc của riêng mình” như khi còn nhỏ.
Nhi giờ đây đã là sinh viên đại học và niềm hạnh phúc nhất của em là được học ngành Thú y – Chăn nuôi. Cô bé từng được vận động chuyển sang học ngành khác phù hợp hơn (như công nghệ thông tin) – nhưng lại tâm huyết chọn một ngành nghề duy nhất là chăm sóc cho động vật.
Xem thêm: Làm công việc liên quan tới chăn nuôi - thú y có gì vui?
Ông Hạnh giờ đây hằng ngày vẫn đều đặn chở con đi học thật sớm, phải thật sớm để ngồi bàn đầu – vì ngồi bàn đầu Yến Nhi mới nghe rõ những lời cô giảng giữa giảng đường rộng lớn. Nhi cũng có nhiều bạn hơn – những người bạn kề bên để giảng lại cho Nhi những điều chưa hiểu, cho Nhi mượn tập nếu Nhi không chép kịp bài. Đó là những người bạn đồng hành giúp Nhi hòa nhập cùng tập thể lớp, cùng Nhi tham gia các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa trong trường đại học.
Ông Hạnh mân mê chiếc áo blouse mới mà Trưởng Khoa Thú y tặng riêng cho Nhi – tân sinh viên đặc biệt của khoa và nói, ông sẽ đồng hành cùng con để con đạt được ước mơ của mình. “Bản thân con bé nhiều năm qua, lúc nào cũng phải cố gắng rồi, chọn ngành học này là khó với con và con phải cố gắng hơn rất rất nhiều. Chú phải ở bên, là điểm tựa cho nó”.
“Bao nhiêu người cha, người mẹ phải từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc cho con cái khuyết tật và rồi con họ cũng trưởng thành. Chú muốn có tiền để tạo hình tai cho con, phẫu thuật mắt cho mắt con cân đối - để con có thể hòa nhập với các bạn và bớt tự ti. Nhưng quan trọng nhất, dù chú phải đi làm thuê, dù cả nhà vẫn phải ở trọ, chú phải dành dụm tiền cho con học, để sau này con có thể tự nuôi sống bản thân mình” – ông Hạnh chia sẻ.
TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ: “Mình thấy được sư quyết tâm của Nhi về cả nội lực và nghị lực. Học Thú y, chăm sóc động vật, không đơn giản là chăm sóc tắm rửa cho thú cưng, mà cần các kỹ năng của một bác sĩ điều trị bệnh cho động vật.
Các bác sĩ thú y tương lai cần học với một thái độ tích cực, đam mê và cần có sức khỏe thật đảm bảo. Tuy nhiên, Nhi thính lực kém mắt bị hư hẳn một bên, vì vậy bên còn lại cũng phần nào ảnh hưởng, cả thính lực và thị lực đều yếu nên nếu “cần đảm bảo sức khỏe tốt” như các bạn đồng trang lứa là không thể.
Tuy nhiên, khi mình hỏi Nhi: “Con có tự tin sau này ba con mất, con sẽ tự sống được bằng nghề thú y con đã chọn học không?”. Con trả lời: “Con tự tin là con làm được” cùng ánh mắt ánh lên sự quyết tâm.
Thật sự nếu 2 cha con không nhiều nghị lực, Nhi sẽ không thể vượt qua được các cấp học và học tiếp đại học như bây giờ. Trong lòng mình vẫn luôn đau đáu câu nói của vị phụ huynh rằng: “Giờ tôi lo kiếm tiền cho con học cái chữ, để khi tôi chết, con có thể lo được cho bản thân””.