Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làm công việc liên quan tới chăn nuôi - thú y có gì vui?

VOH - Chăn nuôi - thú y là ngành không mới nhưng ngày càng được các bạn trẻ quan tâm, nhất là những bạn có niềm yêu thích động vật. VOH giới thiệu chia sẻ của một số bạn trẻ về công việc này.

* Bạn Nguyễn Quỳnh Thiện Hảo - Bác sĩ thú y, Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Một ngày làm việc của mình bắt đầu từ 07g30 với nhiệm vụ kiểm tra và chăm sóc thú non. Đầu tiên, sẽ xem nhiệt độ của chuồng đã ổn định chưa vì với các “bé” đây là điều quan trọng nhất khi xa mẹ. Tiếp theo là cho các bé ăn: với những bé thuộc họ thú thì mình pha sữa bỏ vào bình cho các bé bú, còn đối với những bé thuộc họ chim sẽ dùng nhíp để đút sâu cho các bé ăn.

Sau đó, mình cùng với các cô chú trong bộ phận nuôi thú trưởng thành kiểm tra xem có bạn nào bệnh hay bị thương không? Do thú ở đây đa phần là thú hoang dã nên việc bị thương và bệnh do chưa thích ứng với môi trường nuôi nhốt là khá phổ biến.

Trường hợp các bạn thú không thuộc phạm vi quý hiếm mà bệnh thì mình sẽ kê toa và điều trị. Trường hợp các bạn thuộc phạm vi thú quý hiếm thì sẽ ghi nhận các triệu chứng và báo cáo cấp trên để cùng đưa ra hướng điều trị. Như thế là xong công việc buổi sáng.

Nguyễn Quỳnh Thiện Hảo
Nguyễn Quỳnh Thiện Hảo điều trị cho một chú hươu - Ảnh: NVCC

Chắc hẳn nhiều bạn sẽ thấy công việc khá nhẹ phải không? Nhưng với diện tích gần 17 hecta và gần 590 đầu thú thuộc 125 loài... và đang được bổ sung thêm thì việc kiểm tra tổng thể động vật trong Thảo Cầm Viên cũng khá vất vả đấy!

Buổi chiều, bắt đầu từ 13g30, mình sẽ cùng các cô chú trong tổ xây dựng đi kiểm tra lại chuồng trại xem có bị hư hại, có ảnh hưởng tới các bạn thú không? Vào thời điểm giao mùa và xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, mình sẽ chú ý đến mái che để xem các bạn thú có bị ướt khi mưa không. Với các bạn thú ở khu bò sát, cần kiểm tra độ ẩm vì nếu độ ẩm cao các bạn rất dễ bị bệnh.

Sau đó, mình sẽ kiểm tra lịch tiêm phòng và xổ giun định kỳ của các bạn thú. Bạn thú nào đến kỳ thì mình sẽ tiêm. Còn với voi, mình sẽ mang theo những viên thuốc xổ giun, sau đó bỏ vào bánh mì và chuối để cho voi ăn.

Quá trình làm việc cũng xuất hiện nhiều tình huống khá nhộn. Chẳng hạn như mình nhận được thông báo tinh tinh xổng chuồng leo qua chuồng chim công. Khi mình tới thì bạn tinh tinh đã bắt được 1 chú chim công và... nhổ lông đuôi. Vì tinh tinh thuộc thú quý hiếm nên không được gây tổn thương. Mình cùng các cô chú mang trái cây mà bạn yêu thích vô để dụ tinh tinh, sau đó tách chim công ra và nhốt tinh tinh vào chuồng. 

Sau khi xong công việc, mình sẽ lên văn phòng để ghi lại sổ và 17g00 sẽ kết thúc một ngày làm việc của mình tại Thảo Cầm Viên!

thảo cầm viên
Những người bạn thú vị của Thiện Hảo tại Thảo Cầm Viên

Đọc thêm: Nghề chăm hổ tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Từ trải nghiệm thực tế, mình thấy công việc hiện tại dù rất phức tạp, cần nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng vẫn rất vui vì được theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích.

Ban đầu làm việc, mình cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm tiếp xúc cũng như chưa có nhiều kiến thức thực tế về thú hoang dã nhưng lâu dần mình đã quen.

Để làm tốt công việc này, theo mình cần có sự kính nghiệp, tỉ mỉ trong công việc, cần cù học hỏi và kiên nhẫn theo đuổi những điều mình yêu thích. Ngoài các môn được học trên trường, mình nghĩ cần học thêm về ngoại ngữ chuyên ngành để có thể cập nhật các kiến thức mới nhất từ các nghiên cứu của nước ngoài, do tài liệu và nghiên cứu về thú hoang dã của nước ta còn hạn chế.

* Bạn Dư Thanh Vũ - Bác sĩ thú y, Phòng khám thú y K9

Mình vừa tốt nghiệp Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) và đang làm công việc của một bác sĩ thú y.

Tại trường mình đã được thầy cô trang bị kiến thức thú y khá vững nhưng quả thực, khi tiếp nhận công việc mình vẫn cảm thấy chút khó khăn vì phải học cách hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hàng loạt máy móc dụng cụ không thua kém gì nhân y. Bên cạnh đó, mình phải sắp xếp hợp lý, tự cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian học tập nâng cao năng lực để có thể hoàn thành công việc ở mức độ hoàn hảo và chính xác cao nhất.

Bác sĩ thú y, Phòng khám thú y K9
Dư Thanh Vũ điều trị cho thú cưng tại phòng khám - Ảnh: NVCC

Đọc thêm: Học gì để trở thành Bác sĩ thú y?

Mình nhận thấy, công việc của một bác sĩ thú y rất vui vẻ và đầy ý nghĩa. Tiếp xúc, điều trị, chăm sóc cho những bạn thú cưng và chứng kiến quá trình hồi phục của chúng khiến mình cảm thấy thật hạnh phúc. Điều đó luôn thôi thúc mình cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc và nâng cao trình độ chuyên môn.

Mình nghĩ rằng, để trở thành một bác sĩ thú y giỏi, điều đầu tiên cần có chính là lòng yêu thương động vật, biết cách quan tâm chăm sóc chúng một cách hợp lý, khoa học, tiếp xúc chúng với sự ân cần, gần gũi. Bên cạnh đó, mình nhận thấy nhu cầu về nguồn nhân lực trong khối ngành thú y ngày càng gia tăng, nhất là nhân lực chất lượng cao. Do đó, việc không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ bản thân là một yêu cầu tất yếu.

Thú y cũng có 1 chữ Y, vậy nên mọi quyết định của người bác sĩ đều có thể liên quan đến sức khỏe của thú cưng. Để hoàn thành tốt công việc, ngoài những kiến thức đã được trang bị trên ghế nhà trường, mỗi bác sĩ thú y như mình đều cần nhiều kỹ năng khác, như kỹ năng giao tiếp tư vấn, chăm sóc khách hàng; kỹ năng tổ chức quản lý công việc và quan trọng hơn hết là kỹ năng tự học, nâng cao năng lực bản thân.

* Bạn Nguyễn Mạnh Thắng - Phó phòng Hỗ trợ Ngành Chăn nuôi gia công gà màu, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam

Mình đang làm việc trong một môi trường sử dụng tiếng Anh 100% để giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài, được tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà ta lông màu theo mô hình chuồng lạnh khép kín. Mình cũng có nhiều cơ hội được làm việc với các hộ chăn nuôi, cũng như góp phần của bản thân vào sự phát triển của ngành chăn nuôi nước nhà. Với mình đây là công việc thú vị, nhiều niềm vui, trải nghiệm nhưng cũng đầy thử thách.

Bên cạnh những khó khăn cũ do tác động của dịch bệnh Covid-19, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia cầm, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, ngành chăn nuôi nói chung cũng như công việc của mình đang phải đương đầu với những khó khăn thách thức mới như tác động của chiến sự Nga – Ukraine, gây ra sự bất ổn toàn cầu về năng lượng, chuỗi cung ứng, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa khi làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia cũng là một thách thức không hề nhỏ. Do đó, bản thân mình cũng phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng được với yêu cầu công việc trong một tập đoàn lớn sau khi bước ra từ môi trường đại học, chẳng hạn như liên tục học hỏi thêm các kiến thức mới trong ngành chăn nuôi, những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công việc.

Để làm tốt công việc hiện tại nói riêng cũng nhưng các công việc liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi - thú y nói chung, mình nhận thấy cần phải có các yếu tố như kiến thức và kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, thái độ của bản thân.

Kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong quá trình học tại trường, vận dụng được kiến thức chuyên môn để lý giải được các triệu chứng bệnh lý bất thường trên cơ thể vật nuôi, chủ động thực hành nhiều trong các buổi thực hành nhằm rèn luyện kỹ năng.

Góp phần không nhỏ vào thành công của sinh viên sau khi ra trường đó là kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm kỹ năng tin học, ngôn ngữ… Ngoài ra, sinh viên cần có một thái độ tốt khi bước chân vào một môi trường mới để có thể hòa nhập tốt, luôn luôn cầu thị và có tinh thần học hỏi.

Bình luận