- * Các trường nào tại Việt Nam đang đào tạo ngành Thú y – Chăn nuôi?
- * Chương trình đào tạo ngành Thú y – Chăn nuôi có gì đặc biệt?
- * Các môn học đặc trưng của ngành Thú y – Chăn nuôi?
- * Sinh viên học ngành Thú y – Chăn nuôi khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì?
- * Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?
- * Cơ hội thăng tiến trong nghề?
Theo số liệu thống kê và phân tích về nhu cầu lao động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2022, Việt Nam sẽ cần khoảng hơn 3,2 triệu nhân lực trong ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực Thú y – Chăn nuôi.
TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, hiện nay, số trường đào tạo ngành Thú y – Chăn nuôi và số lượng sinh viên ra trường hàng năm của ngành này không nhiều, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp uy tín, các tập đoàn đa quốc gia là rất lớn.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho các sinh viên ngành Thú y – Chăn nuôi, bởi nhu cầu chăm sóc vật nuôi đang dần phát triển theo sự phát triển về kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.
* Các trường nào tại Việt Nam đang đào tạo ngành Thú y – Chăn nuôi?
Tại Việt Nam hiện có một số trường đại học đào tạo ngành Thú y có uy tín như trường Đại học Nông lâm TPHCM, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Công nghệ TPHCM…
Ngành học này thường tuyển sinh các tổ hợp môn: A00 (Toán, Lý, Hóa); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Anh); C08 (Văn, Hóa, Sinh)…
Xem thêm: Cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên ngành Xây dựng công trình hàng không tại Việt Nam
* Chương trình đào tạo ngành Thú y – Chăn nuôi có gì đặc biệt?
TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan cho biết, ngành Thú y – Chăn nuôi mang tính ứng dụng cao, thời gian thực hành, bám sát thực tiễn khá nhiều.
Dẫn chứng từ trường Đại học Công nghệ TPHCM, TS. Hồng Loan cho biết, chương trình đào tạo Bác sĩ Thú y tại đây có 175 tín chỉ, thời gian đào tạo 4,5 năm. Ngành Thú y đào tạo chuyên sâu về 4 nhóm chuyên ngành:
- Nhóm 1: Chăm sóc và thẩm mỹ thú cưng
Hiện nay, ngoài việc phòng và trị bệnh thì nhu cầu làm đẹp thú cưng được đại bộ phận chủ nuôi quan tâm. Họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc lông da, móng, tạo hình tai, nhuộm màu lông và song song đó là nhu cầu lựa chọn giống vật nuôi với xu thế phát triển của thế giới.
Do đó, ngành học này sẽ đào tạo các học phần Tắm; Cắt tỉa lông thẩm mỹ; Vệ sinh tai; Cắt móng; Phẫu thuật thẩm mỹ; Tiêm phòng; khách sạn thú cưng; Tư vấn dinh dưỡng; Dịch vụ xét nghiệm; Nha khoa; Điều trị nội trú… đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng thú cưng ngày càng phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn.
- Nhóm 2: Bệnh học thú y
Sinh viên được học về căn bệnh; Dịch tễ học; Biểu hiện lâm sàng; Kỹ thuật chẩn đoán; Điều trị và phòng bệnh; Ngoại khoa và giải phẫu bệnh; Pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh… Sinh viên cần nắm vững cơ chế sinh bệnh và diễn tiến bệnh từ đó có những khuyến cáo phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh đặc biệt tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Sinh viên cũng sẽ học được những kỹ thuật phòng thí nghiệm với công nghệ tiên tiến liên quan vật nuôi, vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của ngành thú y ứng dụng vào sản xuất dược phẩm và vaccine phòng bệnh trên thú.
- Nhóm 3: Bác sĩ thú y
Ngành học này đào tạo các nội dung về khám và điều trị, điều trị nội trú, khách sạn thú cưng, tiêm phòng, tư vấn dinh dưỡng, dịch vụ xét nghiệm, chỉnh hình (xương), hộ sinh, phẫu thuật, pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, triệt sản, cấp cứu… Cung cấp nguồn nhân lực bác sĩ thú y đủ năng lực trình độ chuyên môn trong lĩnh vực thú y cả thú công nghiệp và thú cảnh.
Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu trong công tác chăm sóc, phòng - trị bệnh cùng các kiến thức xã hội đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
- Nhóm 4: Công nghệ thú y
Ngành học này đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao hòa nhập nền thú y phát triển của thế giới.
Người học có khả năng ứng dụng các công nghệ mới trong chẩn đoán bệnh, hiểu biết và có khả năng sử dụng được các hệ thống quản lý dữ liệu thông tin từ phòng khám/bệnh viện, trang trại, hệ thống dữ liệu tại các cơ quan quản lý cấp cao; Ứng dụng công nghệ cảm ứng và kỹ thuật số trong việc giám sát sự dịch chuyển của công nhân nhằm kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh trong trại chăn nuôi…
* Các môn học đặc trưng của ngành Thú y – Chăn nuôi?
Theo TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, vào năm đầu tiên, sinh viên thường được học về Động vật học và Luật chăn nuôi và luật thú y để có hiểu biết cơ bản về ngành học.
Kế tiếp là môn Sinh lý gia súc, Cơ thể học gia súc, Dinh dưỡng động vật và thức ăn chăn nuôi, Vi sinh cơ bản và Tổ chức học động vật là các môn cơ sở ngành giúp cho sinh viên hiểu biết về các đặc tính sinh lý có mối quan hệ mật thiết với cấu trúc cơ thể vật nuôi.
Các môn học như Vi sinh bệnh động vật, Dược lý thú y, Chăm sóc và thẩm mỹ thú cưng, Giải phẫu bệnh thú y, Sinh lý bệnh động vật, Miễn dịch học thú y và vaccine là những học phần tiếp nối hoặc nâng cao từ các học phần đại cương và cơ sở ngành. Các môn học đều có phần Lý thuyết và Thực hành nhằm đảm bảo hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho sinh viên
Các môn chuyên ngành chuyên sâu như Thực tập trang trại, Thực tập bệnh viện thú y đều được bố trí ở năm cuối của chương trình. Sinh viên sẽ được bố trí tại trang trại cơ sở chăn nuôi, phòng khám Thú y, bệnh viện Thú y, Chi cục thú y và các cơ sở chăm sóc, điều trị thú y… để làm quen và rèn luyện tay nghề.
Để tốt nghiệp, sinh viên cần thực hiện các môn học như Tiểu luận chăm sóc và thẩm mỹ thú cưng; Tiểu luận bệnh học thú y; Tiểu luận bác sỹ thú y; Tiểu luận công nghệ thú y; Khóa luận tốt nghiệp ngành thú y.
* Sinh viên học ngành Thú y – Chăn nuôi khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì?
Sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ thú y, các bạn có thể làm việc tại các vị trí. Cụ thể:
- Nếu học giỏi sinh viên sẽ được giữ lại trường và được đãi ngộ học lên tiếp thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước để về lại khoa giảng dạy.
- Làm cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về thú y như: Cục Thú y, Chi cục thú y tỉnh, cơ quan thú y vùng, trạm thú y cấp huyện, trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu, biên giới, sân bay…
- Làm cán bộ quản lý, kỹ thuật tại các công ty doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản trong nước cũng như nước ngoài. Trong đó có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Cargill, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Behn Meyer Việt Nam, Công ty TNHH MEGAVET, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Bệnh viện Thú y Dr. Eopi...
- Làm nhân viên tại các khu bảo tồn động vật hoang dã, thảo cầm viên, cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, phòng mạch, bệnh xá, phòng xét nghiệm thú y...
- Làm bác sĩ điều trị và tư vấn chuyên môn trong các trang trại, bệnh viện thú y, phòng mạch thú cảnh.
- Làm nghiên cứu viên ở các trường đại học, cao đẳng, viện và trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về Thú y và an toàn thực phẩm.
- Làm chủ doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ và tư vấn trong lĩnh vực thú y…
* Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?
Mức lương khởi điểm của bác sĩ thú y mới ra trường vào khoảng 10 – 15 triệu/tháng. Sau đó, tùy vào sự phấn đấu, bạn sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng, danh tiếng, từ đó thu nhập cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, nếu làm việc tại nước ngoài, thu nhập của bác sĩ thú y cũng khá cao. Hiện nay Khoa Thú y – Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM có chương trình liên kết, tạo cơ hội để sinh viên tốt nghiệp đi thực tập (có lương từ 15-30 triệu) và làm việc tại Nhật Bản và Úc, khi ra trường sẽ có mức lương lên đến 50 – 100 triệu đồng/tháng…
Xem thêm: Học ngành gì để có thể nhận mức lương trên 2 tỷ/năm?
* Cơ hội thăng tiến trong nghề?
TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan đánh giá, để có công việc tốt, sinh viên cần có niềm tin yêu ngành mình chọn, đam mê và nỗ lực trong học tập cũng như khi ra trường.
Trong quá trình học, sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm của trường, khoa tổ chức, các công tác thiện nguyện vì cộng đồng một cách tích cực để có thật nhiều kỹ năng. Chỉ khi làm vậy, sinh viên mới hiểu rõ về mình, xây dựng một "tấm hộ chiếu" chuyên nghiệp tốt, để chuẩn bị cho công việc sau này.
Để có thêm nhiều cơ hội thăng tiến, sinh viên cần lên kế hoạch cho tương lai của mình theo thứ tự 5B: 1.Biết mơ ước, đam mê; 2.Biết năng lực bản thân; 3.Biết lên kế hoạch học tập và công việc một cách khoa học; 4.Biết cập nhật, chọn lọc thông tin; 5.Biết thay đổi để phù hợp. Đạt được 5B này, sinh viên chắc chắn sẽ thành công.