Chờ...

Học ngành gì để có thể nhận mức lương trên 2 tỷ/năm?

(VOH) - Theo thống kê của Glassdoor, năm 2021, mức lương trung bình của kỹ sư Kỹ thuật hàng không khoảng 80.000 USD/năm, thậm chí, có thể lên đến 101.000 USD/năm tương đương hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất toàn cầu với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn châu Á.

Tính đến nay, nước ta có 5 hãng hàng không lớn là hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet, Bamboo Airway và Vasco. Cùng với đó là hơn 71 hãng hàng không quốc tế hiện đang khai thác hơn 140 đường bay, kết nối Việt Nam với hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã mang đến những cơ hội và triển vọng việc làm hấp dẫn cho lĩnh vực Kỹ thuật hàng không, bảo trì, bảo dưỡng máy bay.

kỹ thuật hàng không
Theo thống kê của Glassdoor, năm 2021, mức lương trung bình của kỹ sư Kỹ thuật hàng không khoảng 80.000 USD/năm, thậm chí, có thể lên đến 101.000 USD/năm tương đương hơn 2,3 tỷ đồng.

Những người muốn làm trong lĩnh vực này có thể theo học ngành Kỹ thuật hàng không tại Học viện Hàng không Việt Nam với các chương trình như nhân viên bảo dưỡng tàu bay, kỹ sư thực hành bảo dưỡng tàu bay, kỹ sư Kỹ thuật hàng không…

Nội dung chương trình đào tạo phù hợp với các tiêu chuẩn của Hàng không Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, cũng như tương đồng với các chương trình đào tạo quốc tế ngành Kỹ thuật hàng không tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Đọc thêm: Năm 2023: Hơn 4 tỷ lượt khách, hàng không sẽ lãi ròng 4,7 tỷ USD

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Kỹ thuật hàng không?

Tố chất cần có của sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không:

  • Chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn.
  • Tinh thần trách nhiệm cao.
  • Có khả năng làm việc dưới áp lực cao.
  • Khả năng ngoại ngữ tốt.
  • Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt.
  • Có khả năng áp dụng kiến thức các môn học khoa học tự nhiên và kỹ thuật thực tế
  • Thành thạo kỹ năng tin học.

Những khó khăn khi học và làm trong ngành này?

Đằng sau những cơ hội về việc làm với mức lương cao, các kỹ sư ngành Hàng không sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình:

•  Cạnh tranh cao: Để trở thành một kỹ sư ngành hàng không, bạn phải trải qua một quá trình tuyển dụng vô cùng khắc nghiệt. Bên cạnh đó nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngày càng tăng, đòi hỏi bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường.

•  Áp lực làm việc: Cùng với những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, kỹ sư Kỹ thuật hàng không còn phải đảm bảo trạng thái tập trung 100% trong quá trình làm việc, nghiên cứu bởi chỉ một sự cố xảy ra, dù là rất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của mọi người trên chuyến bay.

•  Áp lực từ sự đổi mới công nghệ: Dòng chảy của khoa học – kỹ thuật sẽ luôn không ngừng đổi mới. Thế nên, để có thể cạnh tranh và phát triển theo xu thế chung, kỹ sư ngành hàng không buộc phải tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức… nếu không muốn bị tụt hậu vào đào thải.

Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành này? Điểm chuẩn xét tuyển vào ngành này trong các năm gần đây?

Đối với ngành đào tạo này, Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh các phương thức:

- Xét theo điểm thi THPT Quốc gia: A00, A01, D07, D90

- Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ các môn Toán, Lý, Hóa, Anh; học sinh có giải Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên; học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cả 3 năm THPT;

- Tuyển thẳng đối với các đối tượng tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm trúng tuyển ngành này (theo điểm thi THPT Quốc gia) năm 2020 là 24,2; năm 2021 là 25,0; năm 2022 là 21,3 điểm.

Một số môn học đặc trưng của chuyên ngành tại Học viện Hàng không Việt Nam?

Chương trình bao gồm các nhóm môn cốt lõi cần thiết về nền tảng của Kỹ thuật hàng không như Khí động lực học, Cơ học bay, Kết cấu hàng không, Các hệ thống trên tàu bay, Thực hành bảo dưỡng tàu bay…

Bên cạnh khối kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ thuật, sinh viên còn phải Thực hành và Thí nghiệm (chiếm 30% tổng thời gian đào tạo) trên các tàu bay thực tế và tại các Phòng Thực hành; tham gia các công việc thực tế tại doanh nghiệp thông qua các chương trình thực tập tại các đơn vị trong ngành hàng không.

Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng như: Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, VAECO… trong các hoạt động kiến tập, thực tập doanh nghiệp, workshop, tuyển dụng sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, trong các môn học chuyên ngành, Khoa cũng tổ chức mời giảng các chuyên gia trong ngành Kỹ thuật hàng không, bảo dưỡng hàng không giảng dạy các môn học chuyên ngành để sinh viên được tiếp cận với các kiến thức mới nhất, thực tế nhất trong ngành hàng không.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở đâu?

Sau khi tốt nghiệp chương trình kỹ sư Kỹ thuật hàng không, người học có thể công tác tại các vị trí và đơn vị sau:

  • Kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc trong các tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay (MRO/AMO) trong và ngoài nước;
  • Kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc tại các bộ phận quản lý kỹ thuật tàu bay, đảm bảo an toàn-chất lượng kỹ thuật và khai thác tàu bay trong các Hãng Hàng không trong và ngoài nước;
  • Kỹ sư trong các tập đoàn, công ty, bộ phận tính toán, thiết kế, chế tạo trong lĩnh vực Hàng không và Không gian, các ngành gần;
  • Cán bộ, Kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc tại các bộ phận kỹ thuật trong các đơn vị trong Ngành Hàng Không và các Ngành có chuyên môn gần;
  • Cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên và huấn luyện viên tại các trung tâm, viện, trường đại học, cao đẳng... trong lĩnh vực Kỹ thuật hàng không và các ngành có chuyên môn gần.

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?

Có thể nói, thu nhập từ các công việc trong lĩnh vực hàng không luôn ở mức khá cao. Theo số liệu thống kê của trang Glassdoor, năm 2021, mức lương trung bình của một kỹ sư Kỹ thuật hàng không khoảng 80.000 USD/năm tương đương 1,84 tỷ đồng. Thậm chí, tùy vào trình độ, vị trí cũng như kinh nghiệm làm việc, mức thu nhập có thể lên đến 101.000 USD/năm tương đương 2,323 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, theo khảo sát mức thu nhập từ các hãng bay, mức lương ngành Kỹ thuật hàng không được đánh giá tương đối cao so với mặt bằng chung các ngành khác. Trung bình mức lương của các Kỹ sư Kỹ thuật hàng không luôn đạt con số hấp dẫn từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Con số này có thể cao hơn rất nhiều với các vị trí chuyên sâu về chế tạo và nghiên cứu hay các vị trí quản lý.

Với tiềm năng phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước, các kỹ sư sau khi tốt nghiệp… có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau. Đặc biệt, nếu quá trình làm việc, các kỹ sư không ngừng học hỏi thêm các kỹ năng và chuyên môn, ngoại ngữ thì có thể nhanh thăng tiến trong công việc cũng như cải thiện thu nhập của mình.