Chờ...

Nhân lực trình độ quốc tế: Điểm tựa cho sự phát triển của Thành phố

(VOH) - Dự thảo Báo cáo chính trị của ĐH đảng bộ TPHCM lần XI có nội dung xây dựng TP trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và KH-CN.

Dự thảo Báo cáo chính trị của ĐH đảng bộ TPHCM lần XI đã xác định mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung là xây dựng Thành phố trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên là một trong những nhóm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, là đề án quan trọng trong chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa của Thành phố.

Phân tích một số vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn lực nhân lực trình độ quốc tế, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhân lực trình độ quốc tế cho Thành phố, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho PV VOH buổi phỏng vấn.

* VOH - Thưa ông, nhìn lại bức tranh chất lượng nguồn nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông có đánh giá gì?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, là điểm thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn như Intel, Samsung và mới đây nhất là tập đoàn TTI. Theo thống kê tại TP.HCM trong giai đoạn 2016 – 2020, thì doanh nghiệp nước ngoài có tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đầu tư, góp vốn mua cổ phần là 29,8 tỷ đô la Mỹ. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn Thành phố có 10.321 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 49,2 tỷ đô la Mỹ.

Cũng theo các kết quả khảo sát gần đây thì chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ở Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; việc kết nối cung - cầu, dự báo thông tin thị trường lao động còn hạn chế. Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, số lao động của Thành phố vào năm 2020 là 4,7 triệu người, chiếm 8,5% lao động cả nước. Tuy tỷ lệ lao động qua đào tạo là cao, 85% nhưng tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên còn thấp, chỉ 18,8% (dù vẫn cao hơn cả nước là 10,6%).

Do vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển Thành phố giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á thì việc xây dựng đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 7 lĩnh vực ưu tiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu coi khoa học công nghệ là đòn bẩy thì nhân lực trình độ quốc tế sẽ là điểm tựa cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố trong giai đoạn tới. Càng có nhiều nhân lực giỏi, càng có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học mới thì sẽ càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới đến với Thành phố.

PGS.TS Vũ Hải Quân

*VOH: Thưa ông, như đã khẳng định, nhân lực trình độ quốc tế được xem là điểm tựa cho sự phát triển của Thành phố. Vậy, làm thế nào để chúng ta nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, thưa ông?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Vấn đề đầu tiên cần phải làm rõ là nội hàm của khái niệm “nhân lực trình độ quốc tế”? Hay nói cách khác, nhân lực trình độ quốc tế phải đáp ứng những yêu cầu gì về kiến thức, kỹ năng và thái độ?

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei, vấn đề đào tạo nhân lực trình độ quốc tế để đáp ứng sự hội nhập ngày càng sâu rộng của các quốc gia trong khu vực đã được thảo luận. Đại học Quốc gia Singapore đã đề xuất 5 phẩm chất hay còn gọi là 5 giá trị cốt lõi của người tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, của hội nhập quốc tế và của toàn cầu hóa. Các giá trị này, được hội nghị thống nhất cao, bao gồm: Có kiến thức toàn diện và liên ngành, thay vì chỉ đào tạo đơn ngành như trước, có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và có kỹ năng ngoại ngữ, có trải nghiệm thực tiễn thông qua đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, có nền tảng tự phát triển lâu dài thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời, có tinh thần khởi nghiệp.

* VOH: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có những kết quả nổi bật nào trong công tác đào tạo, nghiên cứu, góp phần nâng chuẩn đào tạo tiệm cận với khu vực và quốc tế?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Có thể nói việc chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế là yếu tố mang tính nền tảng hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Từ đề xuất của Đại học Quốc gia Singapore, chương trình đào tạo bậc đại học cần được thiết kế bao gồm 3 hợp phần chính:

Hợp phần giáo dục tổng quát: bao gồm các môn học về văn hóa, văn minh của thế giới, về lịch sử dân tộc và con người Việt Nam, về tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề, về kỹ năng số và xủ lý dữ liệu số…

Hợp phần giáo dục định hướng nghề: bao gồm các môn học chuyên ngành, gắn với việc thực hiện các đồ án thực tế; các chương trình thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp…

Hợp phần giáo dục ngoài giảng đường: bao gồm các chương trình khởi nghiệp, chương trình gắn kết phục vụ cộng đồng; các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế…

Để có thể từng bước nâng chuẩn đào tạo tiệm cận với khu vực và quốc tế, Đại học Quốc gia Tp.HCM (ĐHQG-HCM) trong thời gian qua đã thí điểm mở các chương trình đào tạo tài năng, chương trình tiên tiến và chương trình trình chất lượng cao. Tính đến thời điểm hiện nay, ĐHQG-HCM đã và đang tổ chức đào tạo 105 chương trình chất lượng cao, chiếm gần 64% ngành đào tạo chính quy, tổng quy mô đào tạo là hơn 12.900, đạt tỷ lệ 19% trên tổng quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy. Trong đó, có 59 chương trình đào tạo chất lượng cao, 35 chương trình tài năng, 03 chương trình tiên tiến, 8 chương trình Kỹ sư chất lượng cao PFIEV đang triển khai đào tạo tại ĐHQG-HCM.

Đặc điểm chung của các chương trình này là đều có sĩ số nhỏ để có thể áp dụng các phương pháp, công nghệ giảng dạy mới dựa trên nền tảng số như CDIO, blended learning; áp dụng ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình này hầu hết đều được đào tạo bài bản từ nước ngoài. SV của các chương trình này cũng có cơ hội được thực tập ở doanh nghiệp, giao lưu học tập với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới, tham gia các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp...

Bên cạnh việc chuẩn hóa chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy thì công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học theo các chuẩn mực quốc tế cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.

Tính đến nay, ĐHQG-HCM có 62 chương trình trong đó có 04 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 09 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác. Mặc dù từ năm 2009 ĐHQG-HCM đã xuất hiện trong bảng xếp hạng QS Asia, nhưng đến giai đoạn 2016-20120, với định hướng phát triển và nâng cao vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên đã xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác xếp hạng một cách tích cực.

Theo kết quả xếp hạng QS năm 2020, ĐHQG-HCM đã thể hiện vị trí tiên phong khi xuất hiện trong top 701-750 và vươn lên vị trí dẫn đầu các trường đại học Việt Nam khi đạt thứ hạng 143 trên bảng xếp hạng QS Asia. Ngoài ra, ĐHQG-HCM là đơn vị duy nhất của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng về khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục, QS GER, ở vị trí top 301-350.

*VOH: Thưa ông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì cho công tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đóng góp vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, thưa ông?

 PGS.TS Vũ Hải Quân: Việc đào tạo nhân lực, thực hiện nghiên cứu khoa học, cùng với phục vụ cộng đồng là trách nhiệm và cũng là sứ mệnh của các trường đại học. Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại với qui mô đào tạo khá lớn, các trường đại học gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế. Cụ thể như sĩ số lớp đông, giảng viên, cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm còn thiếu nên việc áp dụng các phương pháp sư phạm mới hay đào tạo tiếng Anh rất khó triển khai một cách hiệu quả. Do vậy để thực hiện được các mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực, Thành phố cần quan tâm hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn những nội dung sau:

Cần sớm ban hành quy hoạch, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực. Theo đó, việc xác định được 7 nhóm ngành ưu tiên là rất quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư vào những nhóm ngành này. Trong thời gian sắp tới, cần làm rõ hơn nhu cầu về số lượng nhân lực cần đào tạo theo từng nhóm ngành và theo lộ trình thời gian.

Cần sớm thực hiện “cơ chế thị trường” trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, hiểu theo nghĩa: doanh nghiệp có nhu cầu, địa phương có nhu cầu thì có thể đặt hàng trực tiếp các trường đại học đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương. Hiện nay, đối với các trường đại học như ĐHQG-HCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nhân lực cho Thành phố nhưng lại chưa có cơ chế để nhận nguồn lực đặt hàng trực tiếp từ Thành phố.

Cần có cơ chế gắn kết các trường đại học trong địa bàn thành phố; gắn kết các trường đại học với doanh nghiệp để có thể chia sẻ nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tăng tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo.

*VOH: Xin cảm ơn ông!

 

Tuyển sinh 2020: Thí sinh cần chú ý gì khi nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào đại học?: Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo, thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học.

 

Dự báo thời tiết TPHCM hôm nay 2/6: Ngày nắng, trưa chiều có mưa dông: Dự báo thời tiết hôm nay 2/6, TPHCM ngày nắng, có mây từng đợt; trưa chiều có mưa dông.