Chờ...

Nhân rộng mô hình bữa ăn học đường, nâng cao sức khỏe tầm vóc học sinh Việt Nam

(VOH) - Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam, năm học 2020-2021.

Mô hình là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực nhằm giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì.

Mô hình được thực hiện tại 10 tỉnh/thành phố đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau gồm: trẻ Mầm non tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Nam; học sinh Tiểu học tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, An Giang.

nhan-rong-mo-hinh-bua-an-hoc-duong-nang-cao-suc-khoe-tam-voc-hoc-sinh-viet-nam-voh.com.vn-anh1
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú tại một trường học ở TPHCM. (Ảnh: SGGP)

Kết quả đạt được, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và hơn 94% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; gần 98% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh.

Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh. 95,4% PHHS được khảo sát cho biết đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ (ít nhất 60 phút theo khuyến cáo của WHO).

Kết quả triển khai từ mô hình sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng góp phần thực hiện Chương trình “Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025”, đề xuất xây dựng chính sách về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hoá một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2040 góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khoẻ và trí tuệ thế hệ tương lai.

Đề cập đến việc nhân rộng mô hình đối với học sinh THCS, THPT, sinh viên, Thứ trưởng Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý một số nhiệm vụ trong thời gian tới như tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, khắc phục những khó khăn trong công tác tập huấn thời gian qua; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, nhân viên y tế, cán bộ giáo viên, kết hợp chặt chẽ với gia đình, tạo thành thói quen dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Ngoài ra, cần tiếp tục khảo sát để nhân rộng mô hình, không chỉ gói gọn trong 20 tỉnh. Đặc biệt chú trọng số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ở từng địa phương. Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các thực đơn dinh dưỡng, phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình.