Nhiều bài học thực tế giá trị khởi nguồn từ “vườn trường”

(VOH) - Vườn trường là nơi học sinh có thể học tập, thực hành và trải nghiệm nhiều điều thú vị trong suốt quá trình học tập của mình.

Tại một số trường vùng núi hay vùng nông thôn hiện nay, trường học thường có một khoảng vườn để giáo viên học sinh trồng rau, hoa màu nhằm cải thiện đời sống, cũng là nơi để học sinh thực hành, trải nghiệm. Tuy nhiên, điều này hiếm thấy các trường học ở các thành phố lớn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các lợi ích của vườn trường và cảnh quan thiên nhiên như: giúp học sinh hiểu biết hơn về cây cối, quá trình trưởng thành của cây, học sinh tập trung và kiên nhẫn, làm việc theo nhóm và có các kỹ năng xã hội tốt hơn…

Khi học sinh đưa kiến thức từ sách vở ra… vườn

Tại trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) có một khu vườn với những luống rau dền, cải bắp, cải xanh, mồng tơi xanh um, những cây cà chua, dưa leo sai lúc lỉu, những chậu dưa lưới thẳng thớm vươn mình trong khu nhà lưới… Tất cả những cây trái trong vườn đều do thầy cô và các em học sinh chăm sóc.

Từ khu vườn nay, các em học sinh không chỉ học được cách chăm sóc cây, ngắm nhìn cây lớn lên mỗi ngày, mà còn được tự tay ủ phân hữu cơ để bón cho cây, thử nghiệm thuốc trừ sâu sinh học do chính các em tạo ra...

Những bài học về ủ phân hữu cơ – thân thiện môi trường – được các giáo viên hướng dẫn cho học sinh tại đây được đánh giá là một trong những dự án nổi bật tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng CNTT – E2 Việt Nam 2022-2023.

ủ phân hữu cơ sinh học
Các em học sinh trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân tự tay ủ phân hữu cơ - Ảnh: HL
phân hữu cơ sinh học
Những thùng phân hữu cơ do các học sinh tự ủ từ rau, vỏ, nước gạo, vỏ trái cây… sau mỗi bữa ăn bán trú  - Ảnh: HL

Cô Lý Thị Quế, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân cho biết, trong dự án Ủ phân hữu cơ, học sinh sẽ tận dụng nguồn thực phẩm hữu cơ dư như: rau, vỏ, nước gạo, vỏ trứng, vỏ trái cây… sau mỗi bữa bán trú, đồng thời vận dụng kiến thức liên môn Lý - Hoá - Sinh để tiến hành ủ phân hữu cơ và bón cho cây tại vườn trường.

Việc chăm chỉ thực hành của học sinh đã mang đến những kết quả tuyệt vời là một vườn rau xanh siêu sạch với cà chua chín đỏ, dưa lưới tươi ngọt, hoa nở khắp nơi tại vườn trường.

Cô Lý Thị Quế đánh giá, dự án không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện cho các em học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế mà còn giúp các em thể hiện tài năng, đam mê trang trí cảnh quan. Các kiến thức này, các em cũng có thể dễ dàng ứng dụng tại chính gia đình mình và đặc biệt là lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới nhiều người thân.

tưới cây
Các em học sinh chăm sóc cây trong vườn trường - Ảnh: HL

Thực tế, học sinh mọi lứa tuổi đều có niềm vui thích với không gian học tập ngoài trời, đặc biệt là trong những không gian xanh mát. Thông qua các khu vườn của trường, các em học sinh, đặc biệt là các em sống tại thành phố - có thể hiểu về quá trình phát triển tự nhiên của thực vật - từ hạt đến mầm, hoa rồi đến quả, tác động của mưa, hạn hán và các yếu tố tự nhiên khác đối với đời sống thực vật. 

Các em cũng có thể trực tiếp tìm hiểu mối liên hệ giữa thiên nhiên với các loài côn trùng thụ phấn và các sinh vật khác phát triển trong hệ sinh thái vườn trường. Sự kết nối này với thiên nhiên sẽ thúc đẩy các em quan tâm hơn đến môi trường.

Đọc thêm: TPHCM đổi mới giáo dục và những thành quả tiên phong

Tại sao nên có vườn trong trường?

Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia (RHS) của Anh cho biết, tại Anh, 'chiến dịch làm vườn trường học' được phát động vào năm 2007 và kể từ đó, đã có hơn 12.000 cơ sở giáo dục đăng ký triển khai. Chiến dịch này nhằm mục đích làm phong phú thêm chương trình giảng dạy và khuyến khích các trường học dùng vườn như một công cụ giảng dạy. 

Theo RSH, ngay cả khi không gian hạn chế, các trường vẫn có thể tạo ra một khu vườn với những luống/chậu cây trên cao và giáo viên có thể biến việc làm vườn trở thành một phần trong các bài giảng của mình.

Ví dụ, chậu trồng cây bên cửa sổ là ý tưởng tốt để dạy trẻ về toàn bộ vòng đời của cây, giúp trẻ quan sát hạt giống phát triển dưới đất một cách hoàn hảo. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời cho các hoạt động thú vị với các học sinh mầm non, tiểu học.

vườn trường
Vườn cây xanh mát trong nhà trường không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn cho học sinh hiểu về giá trị của lao động - Ảnh: HL

Vườn thường là không gian bị "ngó lơ" trong trường học, tuy nhiên nó có thể giúp học sinh phát triển một số kỹ năng sống, cũng như cung cấp những bài học về môi trường, giúp các em hiểu về cây cối, côn trùng và đa dạng sinh học…

Qua nghiên cứu, RHS cũng đưa ra một số giá trị mà học sinh thu nhận được khi học tập với không gian vườn trường.

Cải thiện vận động

Việc học trên lớp truyền thống thường ít hoạt động thể chất, nhưng các bài học liên quan tới vườn trường lại “tràn ngập” sự vận động. Học sinh và giáo viên có thể đứng, đi, quỳ và vươn vai khi chăm sóc cây cối, và trẻ thường mải mê với các nhiệm vụ đến mức không nghĩ đến những lợi ích về thể chất của việc làm vườn. 

Các công việc làm vườn như nhổ cỏ, tưới cây và rau là cơ hội để trẻ vận động và thúc đẩy tính trách nhiệm ở trẻ.

Cải thiện tinh thần khi thấy được thành quả lao động

Việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn (chăm sóc cây lớn và cây ra hoa, kết trái…) khiến trẻ em trở nên tự tin và kiên cường hơn khi thấy những nỗ lực của mình đạt được thành quả, nhất là khi chúng có thể thưởng thức những món ăn từ khu vườn.

Trồng cây cũng mang đến cho trẻ cơ hội tìm hiểu về dinh dưỡng. Trẻ có thể sẵn sàng thử các loại rau mới nếu chúng tự trồng, vì vậy điều này cũng có thể khuyến khích một lối sống lành mạnh hơn.

vườn trường
Niềm vui của học sinh khi thấy cây do mình chăm sóc kết trái - Ảnh: HL

Đọc thêm: Đổi mới giáo dục toàn diện cần bắt đầu từ nhận thức

Cải thiện kỹ năng làm việc nhóm

Cùng chăm sóc cây trong vườn trường giúp trẻ em giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả để đạt được mục tiêu chung. Điều này dẫn đến việc nhìn thấy nỗ lực của bạn bè và đánh giá cao lẫn nhau.

Hơn nữa, cùng làm vườn là cơ hội để học sinh thảo luận cởi mở, thoải mái trong trường học. Điều này được chứng minh là dễ dàng hơn nhiều – so với việc trẻ ngồi trong lớp, đối diện nhau khi trao đổi về vấn đề gì đó - theo RHS.

Cải thiện hoạt động thực hành

Một lợi ích của việc dạy các bài học thông qua làm vườn là trẻ em sẽ phát triển khả năng thực hiện các nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp với tư duy của mình. Trẻ sẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách thích ứng với những thách thức mới do thiên nhiên mang lại.

Hơn nữa, các em có thể tìm hiểu về côn trùng và tác động của côn trùng đối với sự phát triển của cây trồng và rau quả. Cuối cùng, với các hoạt động ủ phân hữu cơ, làm thuốc trừ sâu sinh học... thật dễ dàng để dạy trẻ về môi trường và cách ứng dụng kiến thức học được thành những giá trị thiết thực cho cuộc sống.

Các hoạt động trong lớp học truyền thống thường khiến việc học tập thụ động khi trẻ em đọc to và lắng nghe giáo viên của chúng. Nhưng các hoạt động trong một giờ học tại vườn trường mang lại những khái niệm mới mẻ nhưng gần gũi thông qua quan sát, tìm hiểu và thực hành.

Thực vật, côn trùng, chim chóc và thời tiết đều tham gia vào các bài học. Như vậy, học sinh sẽ hứng thú hơn và có động lực học tập hơn. Hy vọng, sẽ có nhiều khu vườn được mở ra trong các trường học trong thời gian tới – giúp giáo án của giáo viên trở nên sáng tạo hơn và học sinh sẽ thực sự được học trong không gian tươi mới đầy thú vị.