Những điều kiện để sinh viên được học song ngành?

(VOH) - Nhiều trường đại học đã cho phép sinh viên được học song ngành (học hai ngành học cùng lúc). Tuy nhiên, để đăng ký học song ngành, sinh viên cần đáp ứng những điều kiện nhất định.

Theo khoản 1 Điều 18 Quy chế đào tạo chương trình đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT, đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai.

Hiện nay, rất nhiều trường đại học đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình học. Tuy nhiên để được học song song 2 chương trình, 2 chuyên ngành khác nhau, sinh viên phải đáp ứng được một số quy điều kiện nhất định.

học song bằng, học song ngành
Sinh viên có thể học song ngành nếu đáp ứng đủ điều kiện Quy chế đào tạo chương trình đại học và điều kiện khác của Trường Đại học giảng dạy song ngành

Tại khoản 2 Điều 18 Quy chế đào tạo chương trình đại học quy định, sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 01 trong 02 điều kiện sau và các điều kiện khác của cơ sở đào tạo:

- Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

- Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Ngoài điều trên, tùy từng chương trình học, chuyên ngành mà các trường sẽ đặt ra các yêu cầu riêng cho sinh viên muốn học song ngành như: trình độ ngoại ngữ và các chứng chỉ liên quan, không bị kỷ luật, cảnh cáo…

Bên cạnh đó, theo Điều 18 Quy chế ban hành kèm Thông tư 08 quy định như sau:

Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích lũy của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.

Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng kí muộn nhất 02 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

Cơ sở đào tạo chỉ tổ chức đào tạo chương trình thứ hai cho sinh viên khi đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng về chỉ tiêu tuyển sinh, năng lực đào tạo; đồng thời có quy định chi tiết về quy trình, thủ tục, điều kiện đăng ký học và cấp bằng tốt nghiệp chương trình thứ hai.

Như vậy, khi học song ngành, sinh viên phải tập trung đồng đều cho cả hai chương trình học. Nếu kết quả chương trình học thứ nhất của sinh viên ở mức không đạt thì không được học chương trình thứ 2. Đồng thời, nếu chương trình thứ 2 không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đào tạo thì sinh viên cũng không được cấp bằng.

Bên cạnh đó, về thời gian học, khoản 4 Điều 18 nêu rõ, thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất (không quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá).

Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

Từ năm 2020, Đại học Quốc gia TPHCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống.

Theo quy chế này, đào tạo song ngành là phương thức tổ chức học cùng lúc hai chương trình, trong đó ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Ngành thứ hai sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện đăng ký và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định.

Theo đó, chương trình song ngành sẽ gồm 2 phần, ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam, ngành thứ hai tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành.

Sinh viên đăng ký học song ngành phải đang theo học đại học hệ chính quy tập trung tại đại học này, không áp dụng với chương trình đào tạo liên kết trong nước và nước ngoài.

Chương trình đào tạo ngành thứ 2 phải khác ngành nhất, sinh viên đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình ngành thứ nhất và thuộc diện xếp loại học lực trung bình khá trở lên. Cũng theo quy định này, điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ hai là sinh viên đã đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ nhất.

Bình luận