Chờ...

Những thách thức từ chương trình giáo dục phổ thông mới

(VOH) - Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức và hướng dẫn triển khai thực hiện với lộ trình cụ thể.

Lần đổi mới này có thể được xem là cuộc cách mạng trong giáo dục khi thay đổi hoàn toàn từ mục tiêu giáo dục, đến cách thức xây dựng chương trình, các giải pháp phát triển phẩm chất năng lực cho người học nhắm đáp ứng yêu cầu cho nguồn nhân lực.

Chương trình không cứng nhắc mà định hướng khá mở cho từng địa phương, nhà trường, giáo viên và cả người học. Tuy nhiên, bên cạnh những háo hức mong đợi, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục vẫn không khỏi băn khoăn trước các điều kiện hiện có khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những thách thức từ chương trình giáo dục phổ thông mới

Lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông này có thể được xem là cuộc cách mạng trong giáo dục. Ảnh: Công lý

Từ khi có những thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở,Trung học phổ thông Việt Úc, đã nghiên cứu và có nhiều tâm đắc với chương trình, đặc biệt là sự thay đổi cách thức tiếp cận từ nặng về kiến thức chuyển sang khả năng vận dụng, ứng dụng vào cuộc  sống của người học.

Thực tế, thời gian qua, mặc dù về mặt lý thuyết, học thuật, học sinh Việt Nam có thể vượt hơn nhiều quốc gia khác, nhưng kỹ năng làm việc thực tiễn của các bạn trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Để thay đổi, đáp ứng tốt hơn với yêu cầu cuộc sống và nguồn nhân lực, theo vị hiệu trường này cần có sự thay đổi cách dạy từ phía người giáo viên.

Với cấu trúc chương trình cũ, việc thay đổi này thực sự bất cập. Vì vậy chương trình mới với các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm không chỉ phát huy năng lực học sinh mà còn đặt ra những yêu cầu cao hơn với cả giáo viên.

Tuy nhiên, Nhà giáo Nguyễn Hoa Mai, cho rằng để tổ chức tốt các hoạt động này, bài toán kinh phí lại là một vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn: "Quan trọng nhất là vấn đề tài chính, những chính sách, chi phí cho giáo dục một cách rất cụ thể. Muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm  phải có kinh phí đưa học sinh đi ra ngoài, tiếp cận. Trường tư có thể huy động được phụ huynh, nhưng trường công cơ chế thu tiền không dễ. Nếu trong chính sách giáo dục không bổ sung kỹ phần này thì cải cách giáo dục cũng hơi khó".

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai theo lộ trình năm học 2020-2021 bắt đầu thực hiện đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 10. Các khối lớp thực hiện cuốn chiếu theo từng năm cho đến khi phủ đều toàn cấp học.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện cần thiết khi thực hiện chương trình là các trường tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Ông thông tin tại Hội thảo trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, mới đây: "Ở cấp tiểu học, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh có thêm điều kiện thực hiện các hoạt động vui chơi, lao động, tránh áp lực nặng nề của việc học. Việc học 2 buổi/ngày cũng tạo điều kiện để quản lý học sinh, hỗ trợ rất lớn cho gia đình và người lao động".

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên bình diện cả nước, khoảng 90% cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, thực tế tại TPHCM, nơi có tỷ lệ gia tăng học sinh hàng năm luôn ở mức cao, tốc độ xây dựng trường lớp luôn phải chạy theo tốc độ tăng dân cư, việc triển khai theo yêu cầu này không hề đơn giản.

Hiện, tỷ lệ học 2 buổi/ngày của học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 60%. Đặc biệt đầu năm học này 2018-2019, số học sinh lớp 1 tăng hơn 26.000 em, đưa tổng số học sinh lớp 1 lên 126.000 em, nên tỷ lệ học 2 buổi ở cấp học này lại càng thấp. Vì vậy, chuẩn bị triển khai chương trình mới vào năm học 2020, là một thách thức.

Bên cạnh việc tích cực xây dựng trường  lớp, còn đòi hỏi sự chuẩn bị, dự tính của các địa phương. Một lãnh đạo ngành giáo dục ngay từ đầu năm học, trước áp lực tăng số học sinh lớp 1 đã lo lắng: "Bây giờ, nếu tinh ý sẽ phải giảm bớt tỷ lệ 2 buổi/ngày của các khối trên để bắt đầu chừa phòng. Nếu không tính toán như vậy, cứ làm 2 buổi/ngày xuyên suốt của mấy khối trên 2-3-4, phụ huynh cứ thói quen 2 buổi ngày năm nay thì năm sau cũng 2 buổi/ngày, đến lúc lớp 1 (chương trình mới) vô thì không còn chổ để thực hiện 2 buổi/ngày".

Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng mở với những địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bằng hình thức dạy học 6 buổi/tuần, nhưng đây chỉ được xem là giải pháp trước mắt. Về lâu dài để đảm bảo chất lượng giáo dục, việc  triển khai dạy học 2 buổi/ngày vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Một băn khoăn khác khi triển khai chương trình là việc tổ chức dạy học các môn học tự chọn ở khối trung học phổ thông.

Theo chương trình mới, bên cạnh những môn học bắt buộc như ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, học sinh được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học tự chọn gồm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Mỗi nhóm môn học tự chọn gồm các môn học thành phần như nhóm môn khoa học tự nhiên  gồm lý, hoá, sinh, nhóm khoa học xã hội gồm sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật...

Điều này dẫn đến hiện trạng hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn học này và từ chối một số môn học khác. Lúc bấy giờ, khả năng sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp vì không có học sinh đăng ký học môn mình.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Tân, việc tổ chức giảng dạy các môn học tự chọn cần được triển khai trên điều kiện thực tế của từng trường sau khi đã phân tích đội ngũ: "Tùy theo đặc thù trường, sẽ tổ hợp được trong 5 môn tự chọn, sẽ dạy bao nhiêu lớp Lý, bao nhiêu lớp Hóa, Sinh, Sử, Địa... Trên cơ sở thông tin chính thức của các trường, học sinh sẽ có những chọn lựa cho phù hợp. Nếu học sinh muốn định hướng chọn lựa các môn đó, nhưng trường này không đáp ứng được, các em có thể  chọn trường bên cạnh. Trong một trường, đáp ứng tất cả các nhu cầu của học sinh thì gần như không thể" .

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, ngay sau khi thông tư ban hành chương trình giáo dục phổ thông có hiệu lực, vào tháng 2 này, thành phố sẽ chuẩn bị các bước như nội dung, tập huấn đội ngũ giáo viên. Đồng thời, thành phố sẽ cử các giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn tham gia vào việc xây dựng bộ sách giáo khoa theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia và triển khai tập huấn chương trình mới sau này:

"Cho dù SGK của Bộ hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào khi được chọn cũng phải định hướng thực hiện theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông. Phương pháp làm thế nào xây dựng năng lực phẩm chất học sinh phải dựa trên nền tảng nội dung SGK và cách dạy như thế nào để các em đạt được phẩm chất năng lực. TPHCM có kinh nghiệm, các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng rất sẵn sàng phối hợp với  Sở GD&ĐT xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên khi Bộ có nội dung cụ thể".

Dù còn khá nhiều thử thách, nhưng với những mục tiêu giáo dục theo hướng ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, chương trình giáo dục phổ thông mới đang được nhiều người đón nhận. Nhìn nhận kỹ càng những thách thức, cũng như xác định những giải pháp hướng đến, chính là cách đưa chương trình đến với từng địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh  một cách hiệu quả.