Niềm vui của người thầy nhận hơn 2.000 tin nhắn từ học trò mỗi dịp 20/11

(VOH) - Cứ mỗi dịp 20/11, giảng viên Mai Hữu Xuân nhận khoảng 2.000 tin nhắn chúc mừng từ các học trò. Với thầy, đó là niềm vui không thể đong đếm trong suốt những năm tháng gắn bó với giảng đường.

Chia sẻ cảm xúc về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Mai Hữu Xuân - giảng viên Bộ môn Vật lý Kỹ thuật Y Sinh, Khoa Khoa học ứng dụng (Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM) chia sẻ: “Kể từ ngày bước chân vào trường Đại học Bách khoa 40 năm trước, đối với thầy trường đã như là nhà và thời gian ở trường quả thật nhiều hơn ở nhà…”.

Thầy Xuân cười hiền chia sẻ: “Bởi đã gắn bó từ thời sinh viên tới khi giảng dạy, nên tình cảm của thầy với chính các thầy cô giáo của mình tại trường Đại học Bách khoa trước đây vẫn luôn đong đầy. Còn với trò, đó là thứ tình cảm, thương không thể diễn tả. Cứ mỗi dịp 20/11, điện thoại của thầy lại hết pin sớm bởi các em sinh viên, cựu sinh gửi tin nhắn chúc mừng liên tục. Trung bình, thầy nhận hơn 2.000 tin nhắn từ học trò trong dịp này”.

Là người làm công tác giảng dạy, sự quan tâm từ các thế hệ học trò dù giản đơn như vậy nhưng mang lại cho thầy đầy những niềm vui và đáng tự hào.

Mai Hữu Xuân
Thầy Mai Hữu Xuân (bìa phải) và học trò cũ cũng là đồng nghiệp của thầy tại trường cùng chia sẻ niềm vui trong ngày thầy Xuân được trao bằng Tiến sĩ. 

Xem thêm: Đội ngũ nhà giáo sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục của đất nước

Trong dịp 20/11 năm nay, thầy Mai Hữu Xuân cũng có thêm nhiều niềm vui khi được trao bằng tiến sĩ với luận án nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi trong cộng đồng và bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

Mục tiêu chính của luận án là xây dựng một phương thức mới hỗ trợ điều trị lao phổi trong cộng đồng và COPD với mô hình điều trị kết hợp giữa các liệu pháp quang châm, quang trị liệu và laser nội tĩnh mạch.

Đề tài đã mô phỏng bằng phương pháp Monte Carlo sự lan truyền của laser với 2 bước sóng 780nm và 940nm từ trước ngực tới phổi và từ sau lưng tới phổi, khẳng định cấu hình phác đồ điều trị của thiết bị laser bán dẫn công suất thấp được sử dụng là hoàn toàn đáp ứng.

Thứ hai, xây dựng phương thức mới trong hỗ trợ điều trị bệnh lao trong giai đoạn tấn công và duy trì bằng laser bán dẫn công suất thấp và điều trị thử nghiệm tại cơ sở điều trị để có kết quả hồi phục đáp ứng khả quan.

Nghiên cứu cũng xây dựng phương thức mới trong hỗ trợ điều trị bằng laser bán dẫn công suất thấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với điều trị thử nghiệm tại bệnh viện 7A (TPHCM) cho 80 bệnh nhân đạt kết quả tốt.

Các kết quả cho thấy, mô hình kết hợp mới này có hiệu quả đáng kể và có nhiều ưu điểm như dễ thực hiện và phổ biến đại trà, chi phí điều trị thấp, xâm lấm tối thiểu và không tác dụng phụ.

Thầy Xuân chia sẻ, mặc dù tuổi đã cao những thầy vẫn cố gắng để nghiên cứu và hoàn thành nghiên cứu của mình bởi đó là ước mơ của thầy từ khi còn trẻ, và việc dành thời gian nghiên cứu sẽ giúp thầy phát triển thêm về học thuật, tạo động lực khuyến khích các sinh viên, các bạn trẻ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong học tập.

Làm nghiên cứu tiến sĩ tại chính ngôi trường mình đang giảng dạy, theo thầy Xuân ngoài thuận lợi là có thầy cô, đồng nghiệp hỗ trợ thì áp lực thực tế cũng rất lớn, đòi hỏi thầy luôn phải tìm tòi ý tưởng mới để có định hướng nghiên cứu phù hợp. Nếu làm ở trường khác, áp lực này sẽ đỡ hơn rất nhiều.

Để có công trình nghiên cứu này, tiến sĩ Mai Hữu Xuân bày tỏ lòng biết ơn cố PGS. TS. Trần Minh Thái - Nguyên Trưởng khoa, Nguyên Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Laser - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) - người thầy chỉ cho mình hướng đi. Cùng với đó là PGS.TS. Huỳnh Quang Linh và PGS.BS. CKII Trần Văn Bé - những người hướng dẫn khoa học cho thầy Xuân trong quá trình nghiên cứu.

Nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi có thể coi là hướng đi mới về laser, là sự kết hợp hài hòa giữa đông tây và tây y trong điều trị cho bệnh nhân, từ đó đưa nền y học cổ truyền phát triển hơn nữa.