Đổi mới bắt đầu từ người thầy
Làm sao để học sinh không thấy sợ toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn toán là hữu ích cho mình và cần phải học… vẫn là những trăn trở của những người làm giáo dục.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dư – Nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho rằng, ở chương trình bậc phổ thông, môn Toán là một môn quan trọng, tỷ lệ học sinh ham thích học Toán cũng rất cao.
Tuy nhiên, khi vào đại học thì sự cảm nhận của sinh viên về sự hữu hiệu của môn Toán chưa rõ nét, người học chưa có sự hăng say với môn học này.
Do đó, cách dạy và học toán cần phải thay đổi, từ nền tảng cơ bản về toán học ở các cấp học phổ thông cho đến các cấp học cao hơn.
Giáo sư Nguyễn Hữu Dư phân tích: “Ở bậc phổ thông, cần phải giúp học sinh học toán theo cách mới hơn, chứ không phải đưa ra công thức dài dằng dặc hay những kiểu ra đề thi oái ăm. Cách này chỉ làm Toán học càng xa rời thực tế. Chúng ta cần hướng đến việc dạy thông qua mô hình, những ứng dụng đơn giản của toán.
Còn ở bậc đại học, toán học ứng dụng các mô hình, các bài toán kinh tế, kỹ thuật bám sát hơn với thực tế chứ đừng quá lý thuyết”.
Trò sợ toán - thầy dạy sao cho dễ hiểu? – là thách thức lớn của những người thầy trên bục giảng. Bởi, việc hiểu và giải thích những nguyên lý toán học, những công thức của toán học theo đúng độ tuổi, phông nền kiến thức của học sinh, sinh viên đòi hỏi ở người thầy không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải đặt mình ở lứa tuổi người học.
Từ kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sanh, Tổng biên tập Tạp chí East - West Journal of Mathematics và Tổng biên tập Tạp chí Southeast Asia Journal of Science cho rằng: “Khi giảng dạy môn toán, các nguyên lý toán học, người thầy phải tìm cách nói sao cho dễ hiểu, như vậy học trò sẽ yêu toán. Khi yêu rồi thì sẽ say mê học Toán, chúng ta không phải lo điều này, mà nên lo vì thiếu những người thầy dạy toán dễ hiểu".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sanh nhấn mạnh, khi dạy toán mà trong sách nói thế nào, thầy giảng thế ấy, "học trò sẽ sợ Toán chết khiếp".
Xem thêm: Chương trình môn Toán mới: Tinh giản – Thiết thực – Hiện đại – Khơi nguồn sáng tạo
Kiến thức toán cần sát với thực tế, đừng quá hàn lâm
Trong lĩnh vực khoa học cơ bản, những kết quả nghiên cứu khoa học về Toán học góp phần vào các công bố quốc tế. Toán còn là cơ sở quan trọng góp phần vào việc chuyển đổi số các trường đại học.
Để có những nền tảng cơ bản về toán học, về tư duy logic, việc trang bị những kiến thức về toán học ngay từ bậc phổ thông phải được nhận thức đúng đắn, chứ không phải là môn học đối phó hay lý thuyết hàn lâm.
Hiểu được điều này, việc truyền đạt kiến thức liên quan đến Toán cần gần gũi hơn để học sinh dễ thấy được những ứng dụng của toán trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Thuyết, Giảng viên khoa Toán Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho rằng: “Với chương trình học phổ thông, không phải là thầy cô dạy môn toán dễ đi, mà phải dạy như thế nào để các em thấy được thực tế. Trong giảng dạy, thầy cô nêu vấn đề mà các em thấy có thể ứng dụng ngay trong những việc nhỏ thôi, các em sẽ yêu thích dần dần”.
Tiến sĩ Lê Văn Thuyết cho biết, kể cả ở bậc đại học, Hội Toán học Việt Nam cũng kêu gọi các nhà Toán học nên xem lại việc viết những giáo trình kinh tế hay những lĩnh vực khác sát thực tế hơn, có ví dụ thực tế hơn. Từ đó, mới giúp người học dần dần yêu thích toán.
Chia sẻ về những triết lý đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ những trăn trở về sứ mệnh của môn Toán học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy.
Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân. Cho đến hiện nay, giáo dục toán học trong đời thường vẫn đang làm tốt nhưng phải làm tốt hơn. Làm sao để học sinh không thấy sợ toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn toán là hữu ích cho mình và cần phải học.