“Quy trình sản xuất cơm ăn liền” đạt giải Nhất - Giải thưởng Khoa học & Công nghệ dành cho sinh viên

(VOH) - "Quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM vừa giành giải Nhất - Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2022.

Sáng 9/12, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức tổng kết và trao giải Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 do .

Vượt qua hơn 70 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã xuất sắc giành giải Nhất.

Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền
Nhóm sinh viên Dương Thị Hồng Phượng, Võ Thị Hồng Nhung, Trần Thị Huỳnh Như, Lê Thị Yến Lin, Nguyễn Ngọc Diễm Hằng và giảng viên hướng dẫn ThS. Nguyễn Hoàng Anh được trao giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền”.

Xem thêm: 

Ý tưởng sản xuất bột bồ công anh đạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp

Startup Wheel 2022: Benkon - giải pháp thông minh cho điều hoà không khí đoạt giải Nhất

Đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” được lấy ý tưởng từ nhu cầu rút ngắn thời gian chuẩn bị các bữa cơm gia đình nhưng vẫn mang đầy đủ chất dinh dưỡng trong nhịp sống hiện đại.

Việc sử dụng cơm ăn liền giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian nấu, giúp cho người sử dụng, đặc biệt là phụ nữ có nhiều thời gian hơn để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Sản phẩm cơm ăn liền cũng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ ngành hàng lúa gạo chủ lực của Việt Nam.

cơm ăn liền
Các kết quả nghiên cứu và sản phẩm thực tế của đề tài được Ban giám khảo đánh giá rất cao về sự hoàn thiện của sản phẩm cũng như khả năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hàng năm nhằm tìm kiếm và phát triển nghiên cứu khoa học trong sinh viên đồng thời thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học.

Điều này đã giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tạo sự lan tỏa lớn trong các trường đại học trong cả nước về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải được các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ kinh phí và tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp Start-up; nhiều đề tài đã có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và nước ngoài.

Năm 2022, cuộc thi đã thu hút 94 trường đại học trên toàn quốc tham gia với 416 đề tài, trong đó 336 đề tài hợp lệ khi có đầy đủ kết quả công bố khoa học và ứng dụng.

Sinh viên cả nước tham gia cuộc thi trên 6 lĩnh vực gồm: Khoa học tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ ; Khoa học y, dược ; Khoa học nông nghiệp ; Khoa học xã hội; Khoa học nhân văn.