Sẵn sàng mọi phương án cho kỳ thi THPT 2020

(VOH) - Tại cuộc họp trực tuyến để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, do Bộ GD&ĐT chủ trì chiều 31/7, các đại biểu đề xuất nhiều phương án để sẵn sàng cho kỳ thi THPT 2020.

Kỳ thi THPT 2020 là kỳ thi đặc biệt, trước nay chưa có tiền lệ vì lần đầu tiên diễn ra vào tháng 8 ngay mùa mưa bão, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Vì vậy, công tác chuẩn bị được các địa phương chú trọng.

Toàn cảnh hội nghị.  

Tại buổi họp đại diện các tỉnh thành cũng đã nêu ra những khó khăn, những phương án dự phòng nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách an toàn như: tình trạng bảo mật đề thi khi phát sinh các điểm thi dự phòng; Việc thông thoáng phòng thi làm sao vừa an toàn phòng dịch vừa an ninh phòng thi; Sàng lọc kiểm tra sức khoẻ đội ngũ in sao đề thi; Cách xử lý với bài thi của thí sinh F1,F2, ... thậm chí phương án chỉ xét tốt nghiệp với những địa phương dịch bệnh phức tạp.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết kỳ thi THPT 2020 TPHCM có gần 75.000 thí sinh, 115 điểm thi hơn 3.100 phòng thi. Tại các điểm thi đều có các phòng thi nhằm cách ly các thí sinh F1, đồng thời quanh điểm thi cũng có điểm thi dự phòng là trường THCS gần đó. Điểm thi này nhằm sử dụng trong trường hợp thí sinh F1 quá lớn, cần tổ chức điểm riêng cho thí sinh. Bộ phận in sao đề thi đều được test để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện thành phố vẫn còn vướng mắc trong công tác chấm thi. 

"Do số lượng bài thi của thí sinh TPHCM rất lớn, nếu theo chỉ đạo của Bộ tập trung tất cả giáo viên vào chấm tại một điểm tập trung, TP phải tập trung cùng lúc 600 người tại một chỗ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng các quy định về tụ tập đám đông và gây nguy hiểm trong tình huống hiện nay." - ông Dương Anh Đức nói.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi rất chủ động và đúng lịch trình. Tuy nhiên, những ngày gần đây diễn tiến dịch phức tạp, lưu ý các địa phương cần có tình huống dự phòng. Đối với quy định tập trung giám khảo trong hội đồng để chấm đều tay, ông Mai Văn Trình đề xuất: "Nếu trong bối cảnh có nguy cơ, có lẽ chúng ta phải chấp nhận một phương án như mọi năm là chia tổ ra, thảo luận đáp án chung cho từng tổ. Như vậy bảo đảm việc thảo luận chung và không ảnh hưởng lớn đến việc chấm thi, nhưng vẫn đạt mục tiêu giãn cách".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định bối cảnh dịch bệnh bùng phát làm phát sinh thêm nhiều việc do tăng cường công tác phòng dịch. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

"Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị và kế hoạch kỳ thi đang được thực hiện chu đáo. Gần 10 ngày nữa kỳ thi bắt đầu, chúng ta bám sát từng giờ diễn biến kỳ thi. Phần lớn địa phương chuẩn bị chi tiết, chu đáo, với quyết tâm cao. Chúng ta tiếp tục rà soát để làm tốt công việc còn lại của kỳ thi. Cố gắng đảm bảo kỳ thi an toàn tuyệt đối, cả về an toàn, an ninh, công bằng và an toàn y tế, dịch tễ." - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói.

Tin, ảnh: Tuyết Nhung

Học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9, khai giảng ngày 5/9 - Học sinh các cấp học sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2020; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2020.
ĐHQG TPHCM khánh thành công trình Quảng trường Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa - Ngày 27/7, Đại học Quốc gia TPHCM khánh thành Công trình Không gian Tuổi trẻ Đại học Quốc gia TPHCM - Quảng trường Cột mốc 
Bình luận