Chờ...

Sinh viên Nông lâm trồng cỏ lúa mì làm trà thảo mộc

(VOH) - Từ cỏ lúa mì, hai sinh viên Nguyễn Hữu Tuấn và Lâm Thị Mỹ Ngọc – Đại học Nông Lâm TPHCM, đã nghiên cứu và tìm ra cách chế biến trà và bột dinh dưỡng cực kì hữu ích.

Đổ mồ hôi ngay từ khi trồng cỏ lúa mì

Cỏ lúa mì còn gọi là cỏ lúa mạch, tiểu thảo mạch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, cỏ lúa mì có chứa khoảng 12 vitamin, 10 khoáng chất, 17 axitamin và hơn 100 enzyme có lợi cho sức khỏe con người.

Sử dụng cỏ lúa mì có thể tăng cường thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, thanh lọc cơ thể, tăng oxygen trong máu ngoài ra nó còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị rất nhiều căn bệnh như: rối loạn tiêu hóa, ung thư, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gout, tim mạch, cao huyết áp, điều trị chống lão hóa da…

Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ thông tin về bột cỏ lúa mì 

Cỏ lúa mì là thân cây lúa mì non từ 8-12 ngày tuổi. Để có được cỏ lúa mì chế biến thành trà hay bột mịn, hai bạn sinh viên Hữu Tuấn và Mỹ Ngọc phải tìm tòi cách trồng loại cỏ này từ việc gieo hạt đến chăm sóc, thu hoạch – làm sao để đảm bảo cỏ sạch và giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất.

Tuấn cho biết, ban đầu các bạn trồng cỏ bằng đất, tuy nhiên, nếu trồng theo hình thức này thì chỉ lấy được phần thân trên của cỏ để chế biến, phần rễ phải bỏ đi.

Hai bạn sau đó đã thử trồng cỏ lúa mì thủy canh. Khi trồng thủy canh trong điều kiện môi trường thông thường, cỏ thường bị kiến, dòi hoặc nấm mốc - ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cỏ.

Nhiều lần trồng, hỏng, rồi trồng lại, Tuấn và Ngọc đã điều chỉnh lại môi trường trồng cỏ bằng cách giữ cây ở mức nhiệt ổn định, kín, duy trì độ ẩm dưới 30% để tránh nấm mốc… từ đó tạo ra loại cỏ lúa mì sạch – có thể ép nước uống mà vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuấn cho biết, trồng cỏ lúa mì theo hình thức thủy canh tiết kiệm chi phí nguyên liệu trồng, rút ngắn thời gian trồng và tỷ lệ nảy mầm cũng cao hơn – so với các cách trồng trước đây mà Tuấn thử nghiệm.

“Cỏ lúa mì là loài ưa nước, nếu sử dụng phương pháp thủy canh thì lúc thu hoạch có thể sử dụng toàn bộ cây. Chẳng hạn, lá để ép nước, hạt và rễ còn lại có thể tạo ra sản phẩm khác như nước ép đóng chai, bột đắp mặt, hoặc trà… Thực tế khi cỏ cao ở mức 15 - 20 cm thì thành phần chất dinh dưỡng trong hạt vẫn còn khoảng 40%” - Tuấn cho hay.

Bột cỏ lúa mì có thể uống hoặc đắp mặt

Nhiều sản phẩm giá trị dinh dưỡng cao từ cỏ lúa mì

Tại Việt Nam, loại cỏ này vẫn còn xa lạ - nhưng hiện có một số ít bà nội trợ đã trồng theo quy mô gia đình để có cỏ tươi sử dụng.

Việc trồng cỏ lúa mì không đơn giản nên nhóm của Tuấn đã xây dựng một quy trình sản xuất trà, bột và cỏ lúa mì tươi từ khâu trồng, sấy, nghiền thành bột hay ép nước – để sản phẩm giá trị này được phổ biến rộng rãi hơn.

Tuấn cho biết, các sản phẩm được nhóm bạn đã chế biến từ cỏ lúa mì là bột, nước ép tươi và trà.

Cỏ lúa mì dạng bột có ứng dụng là pha thực tiếp uống, pha bột với cháo cho trẻ nhỏ hay đắp mặt nạ. Đáng chú ý, để giữ được chất dinh dưỡng trong cỏ lúa mì gần như còn nguyên vẹn. Tuấn chọn phương pháp sấy thăng hoa (sấy lạnh) trước khi nghiền.

Nước ép cỏ lúa mì tươi có chức năng đào thải độc tố tốt, hạn chế cholesterol – và có tác dụng tốt hơn so với dạng bột khô. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nước ép tươi là khó bảo quản và bảo quản không được lâu. Ngoài ra, bã cỏ lúa mì sau khi ép cộng thêm một chút nước ép có thể sử dụng để dưỡng da, tẩy tế bào chết khá tốt.

Một lượng nhỏ cỏ lúa mì cũng có thể cung cấp cho cơ thể một lượng dinh dưỡng cao (Ảnh: Healthline)

Trà cỏ lúa mì là sự kết hợp của cỏ lúa mì, bạc hà và cỏ ngọt – loại trà có vị ngọt tự nhiên, thích hợp cho người tiểu đường.

Với những sản phẩm độc đáo này, nhóm của Tuấn đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi “Khởi sự kinh doanh nông nghiệp” do Đại học Nông Lâm phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM và Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức năm 2018.

Niềm vui từ sản phẩm đầu tay vẫn còn đó, tuy nhiên, hai bạn trẻ vẫn chưa có ý định khởi nghiệp và kinh doanh các sản phẩm này.

Tuấn chia sẻ: “Là sinh viên năm cuối nên em cần rất nhiều thời gian để học. Nếu tiếp tục phát triển sản phẩm và khởi nghiệp từ các sản phẩm cỏ lúa mì sẽ rất nhiều khó khăn.

Em mong muốn, có thể chuyển giao quy trình trồng và sản xuất các sản phẩm này cho doanh nghiệp thực sự có tiềm lực. Như vậy, sản phẩm này sẽ dễ dàng đến tay người tiêu dùng và có sự lan tỏa tốt hơn”.