Tại cuộc thi Bach Khoa Innovation 2024, nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) và trường Đại học Xây dựng miền Tây - Nhóm THE ERAS TOUR - vừa được trao giải Ba cho dự án tái chế thân cây chuối thành các sản phẩm có thể phân hủy sinh học.
Tạo ra sản phẩm từ thân cây chuối không phải là ý tưởng hoàn toàn mới tại Việt Nam, tuy nhiên, nhóm tập trung vào hai điểm khác biệt: hoàn toàn chỉ sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên để sản xuất và hướng tới khách hàng là các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch cao cấp.
Ưu điểm từ loại phế phẩm nông nghiệp phổ biến
Lê Hồng Thơ – sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp, một thành viên của nhóm chia sẻ, sản phẩm làm từ bẹ chuối như nón lá, tô chén… có nhiều ưu điểm. Cụ thể, bẹ chuối có màu sắc tự nhiên, mang lại vẻ mộc mạc, gần gũi và độc đáo cho các sản phẩm thủ công; có độ bền tương đối tốt, khó bị rách hoặc hỏng dễ dàng, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng.
Ngoài ra, do không chứa hóa chất độc hại, nên đảm bảo an toàn khi sử dụng trong các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm như dĩa, chén, khay.
Nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, Nguyễn Thị Bích Trâm - một thành viên khác của nhóm cho biết, việc tận dụng bẹ chuối cũng giúp tái sử dụng phế phẩm từ nông nghiệp, tránh lãng phí và tạo giá trị gia tăng cho nguồn tài nguyên tự nhiên.
Với cây chuối, mỗi khi thu hoạch trái, người nông dân sẽ phải chặt bỏ cây, làm thức ăn gia súc hoặc bỏ. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có này và phát triển được quy trình sản xuất ít tốn kém sẽ tạo ra những sản phẩm từ bẹ chuối có giá thành hợp lý. Đặc biệt, sản phẩm có thể phân hủy sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa và rác thải khó phân hủy.
Bích Trâm chia sẻ thêm, để tạo ra các sản phẩm từ thân cây chuối, nhóm chọn các bẹ chuối già, đủ kích thước và có độ bền cao (các bẹ chuối non hoặc quá già thường không đạt tiêu chuẩn do quá mềm hoặc dễ mục).
Bẹ chuối sau đó được rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, nhựa và mủ từ thân cây; rồi cắt theo kích thước phù hợp tùy thuộc vào mục đích sản xuất (chén, dĩa, khay, hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ).
Thông thường, bẹ chuối được ngâm trong dung dịch muối, giấm hoặc nước chanh để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc, và giúp bảo quản lâu hơn. Sau đó, bẹ chuối được phơi khô dưới ánh nắng hoặc sấy khô bằng máy. Quá trình này làm giảm độ ẩm trong bẹ chuối, ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và giúp bẹ cứng cáp hơn.
Qua quá trình sơ chế ban đầu, bẹ chuối khô có thể được ép để tạo hình và loại bỏ phần thừa, giúp tăng độ bền và định hình sản phẩm.
Bẹ chuối được gia công thủ công hoặc bằng máy móc tùy theo yêu cầu của sản phẩm (như cắt, gấp, dán, khâu). Một số sản phẩm cần thêm quá trình xử lý chống nước hoặc tạo độ bóng.
Để tăng khả năng chống ẩm và bảo vệ sản phẩm khỏi sự phân hủy, một số sản phẩm từ bẹ chuối được phủ một lớp dầu thực vật, sáp ong, hoặc chất bảo vệ tự nhiên. Sản phẩm cuối cùng có thể được trang trí bằng cách vẽ, khắc họa hoa văn… trước khi được đóng gói.
Cơ hội phát triển từ sản phẩm bền vững
Tiến sĩ Huỳnh Thị Minh Châu - Giảng viên khoa Quản lý Công nghiệp, trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) đánh giá, khi xu hướng tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng được đánh giá cao, các sản phẩm từ thân cây chuối hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thay thế nhựa và các nguyên liệu không phân hủy khác.
Cây chuối là loại cây phổ biến và phát triển nhanh tại các quốc gia nhiệt đới, đặc biệt là Việt Nam. Việc tận dụng thân chuối sau mỗi vụ thu hoạch không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn biến phế phẩm thành tài nguyên.
Tiến sĩ Châu nhấn mạnh, thân chuối không chỉ có thể làm đồ dùng gia dụng (như chén, đĩa, khay, túi...) mà còn có thể phát triển thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm mang vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc và độc đáo, đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch.
Khách du lịch quốc tế ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Sản phẩm từ thân cây chuối có thể định vị mình trong phân khúc đồ lưu niệm "xanh", thân thiện với môi trường và có giá trị bền vững. Đây là một lợi thế lớn trong xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Các sản phẩm từ cây chuối không chỉ là món đồ vật mà còn kể câu chuyện về văn hóa, nghề thủ công truyền thống của các vùng quê Việt Nam. Điều này giúp sản phẩm trở nên khác biệt và hấp dẫn đối với những du khách muốn tìm kiếm những món đồ lưu niệm mang giá trị văn hóa sâu sắc.
Tiến sĩ Châu cho rằng, các sản phẩm từ thân cây chuối có tiềm năng lớn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Nhiều quốc gia đang tìm kiếm những sản phẩm có tính bền vững và thân thiện với môi trường, và các sản phẩm này có thể thâm nhập vào những thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Nhật Bản.
Sản phẩm từ thân chuối có chi phí sản xuất thấp và có thể cạnh tranh tốt về giá trên thị trường đồ lưu niệm.
“Tuy nhiên, các sản phẩm từ thân cây chuối cần được xử lý kỹ để đảm bảo không bị ẩm mốc hay hỏng hóc theo thời gian, đặc biệt khi vận chuyển và xuất khẩu quốc tế. Ngoài ra, cần có sự đa dạng về mẫu mã để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng và phù hợp với các thị hiếu khác nhau trên thị trường đồ lưu niệm” - tiến sĩ Châu nhấn mạnh.