TPHCM thực hiện các nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 với quyết tâm cao

(VOH) - Ngành giáo dục tiếp tục phối hợp tốt với ngành y tế thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

Sáng 24/9, chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 9 do Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện, với chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh chủ động sẵn sàng cho năm học mới”.

Buổi đối thoại có sự tham dự của các khách mời: Bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố; ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 6. 

[Trực tiếp] Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 9/2022: TPHCM chủ động sẵn sàng cho năm học mới 2 Các khách mời tham gia chương trinh Đối thoại cùng chính quyền Thành phố tháng 9/2022. Ảnh K.H

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường trung học phổ thông thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10; để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các nội dung như tăng cường công tác phân cấp tuyển dụng; chủ động các giải pháp bồi dưỡng bổ sung nguồn giáo viên bị thiếu hụt. Về khâu chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2022-2023, Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Thành phố của chúng ta rất chăm lo cho việc xây thêm cơ sở vật chất, nhà trường để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho các em học sinh. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, sự thay đổi này làm chúng ta thay đổi lực lượng giáo viên sao cho phù hợp. Về cơ sở vật chất, ngoài việc tiếp tục giành quỹ đất để đầu tư xây dựng các trường trên địa bàn, đặc biệt là khu vực có mức độ tăng dân số cơ học cao, thì sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, rà soát hiện trạng các thiết bị để có chính sách đầu tư phù hợp”.

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến thính giả phản ánh, đặt vấn đề với chính quyền thành phố xoay quanh các chủ đề như: cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt là vấn đề tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh cũng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Thính giả Ngô Đông Tùng, ở quận 6 bày tỏ: “Theo dõi chương trình sáng nay thì tôi muốn biết rõ hơn vấn đề là hiện tại ở Quận 6 chuẩn bị cho năm học mới, năm 2022 - 2023 như thế nào? Và kế đến là xin được biết rõ về việc trang bị các trang thiết bị dạy học chương trình bộ sách giáo khoa mới khối 3 và khối 7 thực hiện như thế nào để cho con em chúng tôi học tập thật hiệu quả?”.

Chia sẻ mối quan tâm của vị phụ huynh này, ông Lê Thanh Bình – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 6 cho hay: “Về việc trang bị các thiết bị dạy học theo chương trình dạy học sách giáo khoa mới của khối 3 và khối 7. Trước mắt đúng như bộ sách giáo khoa mới của khối 3 và khối 7 là phải đảm bảo 100% các em có bộ sách này. 100% học sinh đã được trang bị đầy đủ, kể cả các em có trường hợp khó khăn mà gia đình không có khả năng mua, thì Quận 6 cũng trang bị đủ, đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tập trung vào cơ sở vật chất và trang thiết bị, bởi vì bộ sách giáo khoa mới phải đi đôi với cơ sở vật chất, trang thiết bị để sử dụng và giảng dạy 2 bộ sách này. Do đó quận có kế hoạch rà soát để lên kế hoạch mua sắm bổ sung và ngân sách mà Quận đã bổ sung cho nội dung này là trên 9 tỷ đồng”. 

Năm học 2022-2023 cũng là năm học đầu tiên sau đại dịch mà toàn Thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho toàn bộ học sinh. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học sau đại dịch COVID-19, trong thời gian qua Ngành Y tế và ngành giáo dục đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn các trường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm như đối với bệnh sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng…đồng thời còn phải quan tâm đến các bệnh tật ở lứa tuổi học đường ở trường, phổ biến nhất là tật khúc xạ và cong vẹo cột sống. Song song đó, ngành y tế cũng mong các bậc phụ huynh nếu chưa đồng thuận thì hãy đồng thuận cho con em được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu đã đồng thuận nhưng vì lý do nào đó chưa cho con em đi tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 theo quy định hãy đưa ngay con em đến các điểm tiêm để được tiêm bổ sung cho đủ số mũi, tuỳ theo độ tuổi (2 mũi đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, 3 mũi đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi). 

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố nhấn mạnh: “Tôi cũng xin thưa với các bậc phụ huynh mặc dù chúng ta tiêm ngừa cho các cháu, kể cả người lớn vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên việc tiêm ngừa này nó sẽ làm cho bệnh nhẹ hơn rất nhiều so với những người không tiêm, đặc biệt là những người như các cháu nói chung là có bệnh nền. Khi mà không tiêm, mắc bệnh sẽ chuyển sang nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn những người không tiêm ngừa. Và thực tế cho thấy rất nhiều cháu tiêm ngừa không đầy đủ, như vậy gián đoạn việc học tập, gây khó khăn. Ngành y tế, ngành giáo dục, Ủy ban Nhân dân cấp Quận, Huyện cũng đã có những cái thông tin để làm sao mà từ việc tin nhắn, từ việc gửi thư để mong các bậc phụ huynh vì sức khỏe của con em chúng ta nên đưa các cháu đến điểm tiêm theo hướng dẫn của nhà trường để đảm bảo sức khỏe cho các cháu”.

Qua gần một giờ làm việc, với nhiều ý kiến gởi về chương trình, đã được các vị khách mời trao đổi và chia sẻ, cho thấy công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023 đã được các ngành, các địa phương rất quan tâm. Phát biểu kết luận chương trình, bà Nguyễn Thị Nga - Ủy viên chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh, để năm học 2022 – 2023 có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Văn hoá Xã hội - Hội đồng nhân dân Thành phố kiến nghị ngành giáo dục thành phố quan tâm đến nhiều nội dung. Trong đó, kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành quy định về mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo theo Nghị định số 81 của Chính phủ. Đồng thời tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM trong năm học 2022 – 2023.

Song song đó, ngành giáo dục thành phố tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những chính sách đặc thù nhằm thu hút, giữ chân, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác. Tiếp tục phối hợp tốt với ngành y tế thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Phối hợp chính quyền địa phương đảm bảo bố trí đầy đủ trường lớp, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học, nhất là đối với các khối lớp được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Nguyễn Thị Nga nói: “Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp các địa phương kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên theo dõi các trường học cũng như kịp thời nắm bắt dư luận xã hội về hoạt động dạy và học tại các trường, không để xảy ra tình trạng lạm thu tại các trường, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tổ chức nhiều chương trình hành trình đến với các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và có nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác dạy học các môn lịch sử, địa lý, xã hội để các em tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất; quan tâm vấn đề đạo đức học đường, phát huy tốt các tổ tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường và sự gắn kết với địa phương kịp thời”.

Hy vọng, với sự chủ động - sẵn sàng của thành phố cho năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục thành phố sẽ nhanh chóng đạt được 14 mục tiêu đã đề ra đúng với chủ đề năm học “đoàn kết kỷ cương, chủ động-sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”.