Mỗi mùa thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT…là mỗi đợt các phụ huynh thay nhau khoe thành tích con mình. Hết bảng điểm đến giấy khen, kết quả thi đậu vào trường “xịn” tràn ngập ở các mạng xã hội, diễn đàn, hội, nhóm.
Kết quả mỹ mãn khi con thi đậu làm các bậc cha mẹ thỏa mãn sau thời gian dài đầu tư thời gian, tiền bạc để con ôn luyện. Hiển nhiên, cha mẹ muốn cho “cả thế giới” biết con mình đã xuất sắc thế nào.

Nhưng, có cả những bậc phụ huynh vì muốn nâng tầm con mình, đã giấu đi bớt những cố gắng, nỗ lực của trẻ, chỉ để muốn chứng tỏ con mình vượt trội hơn.
Nhiều người còn tôn việc thi đậu của con mình lên bằng cách nhấn mạnh vào sự thua cuộc của nhiều người khác. Dễ dàng thấy trên các mạng xã hội nhiều bài đăng với khuôn mẫu “chúc mừng con trai đã vượt hơn hàng ngàn thí sinh….” Hay “con đã hạ gục…”.
Một kiểu khoe khác của các bậc phụ huynh thích ganh đua “con không học vẫn thi đậu”.
Những bậc cha mẹ này, vì tự hào bản thân, thích hơn thua, đã phủ nhận công sức, sự khó khăn của con để khoe con. Họ không hài lòng ở việc con giỏi, mà còn muốn chứng tỏ con thông minh, chứng minh bản thân là phụ huynh kiểu mẫu “hiện đại”, có cách giáo dục con văn minh, không ép uổng con cái học hành.
Họ ngại thừa nhận đã phải tốn bao công sức, bao nhiêu gia sư, lớp học thêm, nhiều giờ chăm chỉ của con cái để có được kết quả tốt.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục nhận định việc khoe điểm con đã không nên, khoe con “không cần học vất vả vẫn thi đậu” lại càng không tốt.
Những hành động này của các bậc cha mẹ thường chỉ mang đến sự thỏa mãn tính kiêu hãnh, tâm lý hơn thua mà vô tình quên mất rằng sau mỗi điểm số đẹp lung linh đó còn là bao nỗi chán chường, mệt mỏi, áp lực, mất định hướng của những đứa trẻ...