Thầy giáo đang cạnh tranh với thầy giáo “google”

(VOH) - Các sự kiện không hay của giáo dục trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến nguồn nhân lực được đào tạo hoặc đang thực hiện công tác giáo dục.

Vì vậy, cần nhanh chóng ổn định tâm lý của những người “kỹ sư tâm hồn” và tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực giao tiếp ứng xử cho giáo viên trường phổ thông cũng như sinh viên sư phạm để khôi phục lại vị thế cao đẹp của người thầy đối với xã hội.

Các chuyên gia giáo dục đã đúc kết như vậy tại buổi Tọa đàm “Kỹ sư tâm hồn – Hãy giữ lòng tin” do trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du tổ chức sáng nay 26/04.

Người giáo viên cần xác định rõ nhiệm vụ của bản thân mình không chỉ là dạy kiến thức chuyên môn mà ứng với từng chuyên môn của mình phải biết tranh thủ từng chút kiến thức dù nhỏ nhặt nhất để giáo dục thêm ý thức, quan điểm và tư tưởng sống trong từng tiết dạy. Ngày nay, giáo dục kỹ năng sống và dạy học theo hướng giúp học sinh phát triển năng lực sống không còn là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm nữa mà là vai trò của tất cả các giáo viên.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers, kiến thức không chỉ là thứ duy nhất mà người giáo viên cung cấp cho học sinh, bởi vì “chỉ cần một cú click chuột, một bàn phím là học sinh của các thầy sẽ có vô vàng kiến thức đến với nó. Ở thời đại ngày nay, kiến thức không phải là cái duy nhất để giáo viên cung cấp cho học sinh.

Nó phải là kiến thức, nhưng trên nền tảng kiến thức học sinh học được rất nhiều thứ từ người thầy mà không ai có thể thay thế được”.

Giáo viên trẻ Lâm Vũ Công Chính của Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ, người thầy trong thời đại 4.0 rất khác so với thời 3.0, đó là người thầy phải học và tự bồi dưỡng, nhất là về vi tính và tiếng anh để hiểu học sinh hơn. 

"Việc cập nhật các thông tin trong thời đại 4.0 không phải là việc làm mà thầy cô đối phó với học sinh. Khi thầy cô tìm hiểu và cập nhật các thông tin để thầy cô cùng tiếng nói với học sinh, biết được học sinh bây giờ đang muốn gì, để những gì thầy cô chia sẻ đến với các em dễ dàng hơn”.

Các chuyên gia giáo dục thảo luận tại Tọa đàm Kỹ sư tâm hồn - Giữ vững lòng tin.

Thực tế, học sinh ngày nay rất thành thạo về công nghệ thông tin và ngoại ngữ, vì thế nếu như người giáo viên không cập nhật những kiến thức về hai lĩnh vực này thì sẽ đi sau học trò một bước, dẫn đến rất khó khăn khi dạy cho học sinh.

Bày tỏ sự đồng tình về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Huỳnh Thanh Phú nhận định, tự thân việc dạy học đã mang một nội hàm rất lớn, đó là vừa dạy mà vừa phải học và tự học. Nếu người thầy không tự cập nhật các kiến thức mới thì coi như bản thân tự đào thải mình.

Ông cũng lưu ý rằng, khi giáo viên sử dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho sự đổi mới trong giảng dạy, cần phải đảm bảo tính chính xác của thông tin, bởi người thầy thực tế và người thầy “google” đang có sự cạnh tranh gay gắt: 

“Nếu chúng ta không đảm bảo tính chính xác cao, thì khi các em truy cập lại sẽ mất niềm tin vào chúng ta. Đây cũng là vấn đề là thách thức lớn.

Thầy giáo Google với người thầy thực tế của chúng ta có một sự cạnh tranh. Kiến thức trên Google đã có, người thầy chúng ta cần có sự lung linh hơn, tình cảm hơn để chúng ta thu phục học trò, bằng trái tim của chúng ta nhiều hơn”.

Một người thầy không những cần phải đảm bảo về mặt kiến thức mà còn cần phải có tấm lòng nhân ái, bản lĩnh vững vàng, tấm gương sáng về đạo đức và tác phong. Học sinh cần lĩnh hội kiến thức một cách chủ động thông qua sự ham học hỏi, sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với thầy cô, chứ không phải sợ hãi hay áp lực gia, gia đình.

Để làm được những điều này, đòi hỏi người thầy phải thay đổi, không ngừng học hỏi nâng cao mình, cũng là cách để giữ vững lòng tin của xã hội về những “kỹ sư tâm hồn”.