Chờ...

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi Khoa học xã hội nhiều tính mới, vận dụng thực tiễn

VOH - Trong buổi thi sáng 28/6, đề thi Khoa học Xã hội bao gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được nhiều thí sinh và giáo viên nhận định là vừa sức thí sinh.

Điểm mới đáng ghi nhận đó là các môn thi có sự phân hoá thí sinh rõ rệt, nội dung đề Lịch sử có nhiều điểm đổi mới tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, làm tiền đề cho kỳ thi tốt nghiệp năm sau.

Thí sinh Bảo Hiền, trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: “Em thấy đề Sử hơi khó chút xíu, hai môn còn lại khá dễ. Ở môn Lịch sử, em thấy khó là phần thi về Lịch sử Việt Nam do khá nhiều cột mốc, sự kiện phải nhớ. Môn Địa lý, phần sử dụng Atlat khá dễ, phần về địa lý Việt Nam cũng rơi vào kiến thức sách giáo khoa nhiều nên nếu học bài kỹ sẽ làm được. Về Giáo dục công dân, phần tình huống cũng khá dễ, lý thuyết nằm trong sách giáo khoa nên em giải quyết nhanh”.

Thí sinh Ngọc Ánh, trường THPT Trường Chinh bày tỏ: "Đề năm nay cũng không quá sức, em làm được. Em thấy nếu ôn tập ổn thì sẽ được 7 điểm mỗi môn trở lên. Có mấy câu hỏi khó em không làm được".

thi-tot-nghiep-280624-4
Thí sinh trao đổi sau giờ thi - Ảnh: Diễm Kiều

Nhận định về môn thi Địa lý, cô Dương Thị Phong Lan, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng: “Đề Địa lý năm nay tương đối dễ, câu hỏi rõ ràng. Phần sử dụng Atlat 19 câu 4,75 điểm, các em đều có thể làm được hết.

Ở 21 câu phần lý thuyết, đối với các em ở mức trung bình đọc hiểu cũng có khả năng làm được từ 3 - 4 điểm khoảng 16 câu. Với học sinh trung bình trở lên có thể làm được từ 7,5 - 8,5 điểm”.

Trong khi đó, ở môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Hà Diễm, giáo viên trường THPT Hùng Vương (Quận 5) nhận định, đề thi phù hợp với năng lực của học sinh, trải dài từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, cho phép có thể vừa xét tuyển tốt nghiệp vừa xét tuyển đại hoc.

Giáo viên Nguyễn Thị Hà Diễm đánh giá cao tính mới ở đề thi Lịch sử năm nay. Đó là, đề thi dành 15% câu hỏi đánh giá phẩm chất năng lực của học sinh bằng tư liệu lịch sử. Đây cũng là bước chuyển tiếp chuẩn bị kì thi năm 2025 của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với nhận định trên, dự đoán phổ điểm từ 6,5 - 8 điểm. Thí sinh lấy từ 5 - 6 điểm khá dễ dàng vì đề rất rõ ràng minh bạch để thí sinh xét điểm tốt nghiệp.

Giáo viên Nguyễn Thị Hà Diễm phân tích thêm: “Từ câu 1 đến câu 30 ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Câu hỏi vận dụng và vận dụng nâng cao chỉ từ câu 30 trở đi. Tôi thấy đề như vậy sẽ phân hóa được học sinh, nhất là những câu cuối có thể phân loại được học sinh giỏi”.