Chờ...

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Giáo viên nhận định đề Ngữ Văn dễ nhưng dài

VOH - Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được nhiều giáo viên đánh giá vừa sức đồng thời có sự phân hoá phù hợp.

Đề Ngữ văn năm nay có cấu trúc cơ bản như các năm, gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các vấn đề đề thi đặt ra gần gũi và phù hợp với lứa tuổi, có giá trị định hướng cho học sinh.

Cụ thể, phần đọc hiểu là 2 đoạn văn trong văn bản “Dòng sông và những thế hệ của nước” (tác giả Nguyễn Quang Thiều) có độ dài vừa phải. Vấn đề đặt ra trong bài vừa có tính khơi gợi, tính thẩm mỹ vừa có giá trị giáo dục.

thi-tot-nghiep-thpt-270624-4
Thí sinh phấn khởi khi đề ra tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: Diễm Kiều

Giáo viên Nguyễn Thu Hà, bộ môn Ngữ văn, trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12) cho rằng, đề khá ổn, học sinh có học lực khá có thể đạt được từ 7 đến 8 điểm nhưng học sinh trung bình cũng khó đạt điểm 7.

Cô Hà nhận định: “Phần đọc hiểu, văn bản hay, gợi được nhiều suy tư, hướng học sinh đến thực tế cuộc sống, bắt nhịp được giữa văn chương nghệ thuật và đời sống con người. Trong cuộc sống thường nhật, các em cũng cần những lúc thăng hoa trong văn chương nghệ thuật.

Những câu hỏi của phần đọc hiểu được phân ra là 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Học sinh dễ dàng lấy điểm ở phần nhận biết, thông hiểu. Học sinh giỏi dễ dàng lấy tròn trịa 3 điểm ở phần vận dụng cao”.

Phần nghị luận văn học với đoạn trích trong tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm gợi được sự gắn bó, gần gũi thân thương của con người đối với đất nước. Đất nước không là những gì xa lạ mà chính là những người thân yêu, những vật gần gũi, những nơi quen thuộc với mỗi con người.

Nhiều giáo viên cho rằng đề thi giúp đánh động tình yêu quê hương đất nước ở thế hệ Gen Z, thế hệ công dân của thời đại số.

Theo ông Đỗ Đức Anh, Phó tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1), tính phân hoá đề thi nằm ở câu nghị luận văn học với đoạn trích gồm 18 câu trong tác phẩm Đất Nước. Để xét tuyển đại học, thí sinh cần làm tốt nội dung này mới có thể có điểm cao.

Đặc biệt, ở câu hỏi phụ “nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn thơ” sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng. Theo giáo viên này, tác phẩm Đất nước nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh nên nhiều em phấn khởi khi đọc đề.

Tuy nhiên, giáo viên Đỗ Đức Anh cũng cho rằng: “Khá nhiều thí sinh khi rời phòng thi than với tôi là đề dài quá sợ viết không kịp. Nếu các em không biết cách tạo được luận điểm, sa đà vào việc viết bài dàn trải, phân tích tất cả các câu thơ thì chắc chắn sẽ không đủ thời gian làm bài. Thí sinh phải biết xây dựng hệ thống luận điểm để có được điểm số cao từ 8 điểm trở lên. Điều này có lẽ sẽ khó khăn vì ở câu nghị luận văn học nhiều thí sinh không kịp giờ”.