Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Kim Dung: nên trao trách nhiệm tổ chức dạy thêm - học thêm cho nhà trường

VOH - Có nên đưa dạy thêm - học thêm vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện hay không được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội. Đây là nhu cầu có thật của học sinh và phụ huynh.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Nam Việt trả lời VOH.

*VOH: Thưa Tiến sĩ, cơ chế quản lý việc dạy thêm học thêm hiện nay có những bất cập gì?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung: Hiện chưa có cơ chế quản lý dạy thêm học thêm. Chỉ có hệ thống quản lý giáo dục, từ Bộ Giáo dục đến các Sở Giáo dục, từ Sở đến quận rồi các trường. Có những quy định, có lúc rất gắt gao nhưng cũng có lúc nới lỏng hơn. Việc dạy thêm vẫn diễn ra tự nhiên, âm thầm. Ở góc độ nào đó, việc quản lý dạy thêm học thêm chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.

*VOH: Thưa bà, thực tế một số trường tư thục, học sinh không phải học thêm nhưng các em vẫn có kết quả tốt trong những kỳ thi quan trọng?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung: Nhiều phụ huynh mong muốn con có nền tảng giáo dục tốt nhưng không tạo cho con một “cuộc đua marathon” từ sáng đến trường, sau đó lại phải chạy sang các lớp học thêm khác nhau. Từ đó, có mong muốn gửi con vào một trường học đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng. Các con chỉ cần học một chỗ, việc học như thế giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Khi các trường tư, trường quốc tế đáp ứng được yêu cầu đó, thành tích học tập của trẻ phát triển cũng không đáng ngạc nhiên.  

Trong trường học phần lớn hướng dẫn làm sao cho các em qua được các kỳ thi. Trong khi các trường quốc tế hiện giờ đi theo xu hướng học sinh cứ học một cách bình thường; điểm nào con mạnh, con sẽ được bồi dưỡng thêm.

Hệ thống giáo dục Việt Nam đôi lúc đi theo hướng làm cho sự phân biệt quá rõ ràng đối với một học sinh là giỏi, trung bình… Đó là lý do, một đứa trẻ học trung bình trong lớp sẽ khó tự tin, điều này tác động lên phụ huynh và trẻ, nên phải cho con mình đi học thêm.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Kim Dung: nên trao trách nhiệm tổ chức dạy thêm - học thêm cho nhà trường 1
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Kim Dung - Ảnh: Tuyết Nhung

*VOH: Vấn đề dạy thêm - học thêm là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội, đặc biệt là với phụ huynh học sinh. Mới đây, có đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ý kiến của tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung: Đó cũng là một giải pháp, nếu không cấm được thì phải quản lý một cách chuyên nghiệp hơn.

Các nước vẫn cho phép việc dạy kèm của giáo viên ở nhóm nhỏ 1, 2 học sinh. Nhưng, việc hàng chục học sinh đến nhà giáo viên hay nơi giáo viên thuê mướn là hoạt động các nước không cho phép, vì đó là hoạt động kinh doanh.

Bất cứ vấn đề gì thuộc kinh doanh thì phải được quản lý bài bản. Điều này kéo theo nhiều hệ luỵ, như vấn đề luật lao động chẳng hạn. Một giáo viên khi đăng ký kinh doanh, có nghĩa là không được tham gia giảng dạy tại các trường. Cho nên, cần có nghiên cứu để thực hiện làm sao cho hợp lý, hợp tình.

Thực tế, thu nhập từ dạy thêm của một số giáo viên là rất cao và không hề đóng thuế thu nhập. Nếu suy nghĩ từ góc độ giáo dục, kinh tế, pháp luật … phải có cách thức làm sao để việc dạy thêm học thêm đáp ứng được nhu cầu nhưng không phải là hình ảnh phản cảm.

*VOH: Theo Tiến sĩ cần có giải pháp nào để việc dạy thêm - học thêm thực sự hiệu quả, chính đáng và không gây quá tải ở học sinh?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung: Ngay từ hệ thống giáo dục cần có kế hoạch chiến lược mang tính dài hạn. Ví dụ, cái nào trường công lo được dành cho đại đa số con em người lao động. Khi phụ huynh có nhu cầu khác, phụ huynh sẽ chuyển sang loại hình trường khác, đáp ứng yêu cầu hơn, để giảm tải.

Khi đưa ra một mô hình nào đó, bao giờ cũng có thí điểm. Ví dụ, một trường công không dạy thêm - học thêm thì phải như thế nào, có chấp nhận sự đóng góp của phụ huynh hay không? Giáo viên vẫn thực hiện việc dạy học, nhưng  mức đóng góp của phụ huynh ở mức độ vừa phải, đồng thời không có sự phân biệt giữa đứa trẻ có đóng góp và không có đóng góp.

Nhà trường sẽ quản lý tất cả hoạt động đó, để có thể giúp giáo viên chỉ dạy ở trường và tăng thêm thu nhập. Vì vậy, nên trao trách nhiệm quản lý và tổ chức dạy thêm - học thêm (nếu có) cho nhà trường, hơn là để cho giáo viên và phụ huynh làm một cách tự phát như hiện nay.

*VOH: Cám ơn Tiến sĩ!

Bình luận