Tôn vinh 15 Nhà giáo ưu tú và 50 thầy cô đạt giải Võ Trường Toản 2021

(VOH) - Sáng 29/11, Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM và Báo Sài Gòn giải phóng phối hợp tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15 năm 2020 và giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 24 năm 2021.

Giải thưởng nhằm tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho Ngành Giáo dục TPHCM. 

Năm học 2020 - 2021 diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vẫn diễn ra quyết liệt. Các thầy cô phải đối mặt với bao khó khăn vất vả, vững tay chèo lái, trở thành “tuyến đầu” duy trì hoạt động dạy và học.

Dạy học trên bục giảng đã khó, dạy học qua màn hình máy tính còn là một “trận đánh” khó gấp nhiều lần, thách thức trí tuệ, ý chí của những “tuyến đầu ngành giáo dục". Mỗi thầy cô giáo đều nỗ lực vượt qua gian khó, cùng thành phố hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. 

giải Võ Trường Toản
Các thầy cô giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản

Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, đồng chí Dương Anh Đức - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM nhấn mạnh: "15 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và 50 thầy cô giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản hôm nay là đại diện cho tất cả nhà giáo – những tấm gương thầy cô giáo thầm lặng, tận tụy với nghề của thành phố.

Dù con số trên còn khiêm tốn nhưng phần nào cũng động viên, khích lệ quý thầy giáo, cô giáo; thể hiện sự quan tâm, tấm lòng của Lãnh đạo, Nhân dân thành phố”. 

Những thầy cô giáo được vinh danh là những điển hình tiêu biểu, lan tỏa năng lượng tích cực cho đội ngũ nhà giáo Thành phố mang tên Bác; Là những người trực tiếp triển khai những đề án, giải pháp đổi mới góp phần thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ rất quan trọng của Ngành Giáo dục; đó là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó có 02 Đề án mang tính chiến lược, toàn diện của Ngành Giáo dục đã được Lãnh đạo thành phố thông qua; đó là tiếp tục lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa, triển khai Luật Giáo dục 2019…

Lãnh đạo thành phố mong rằng, các thầy cô được tôn vinh sẽ là những đầu tàu của toàn Ngành Giáo dục Thành phố, tiếp tục lan tỏa lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng. Nhiệt huyết với nghề, đạo đức, nhân cách cao quý, mẫu mực của quý thầy cô sẽ động viên, dẫn dắt những thầy giáo, cô giáo trẻ tiếp tục vững vàng với sự nghiệp trồng người; củng cố hơn nữa sự tôn kính mà xã hội dành cho những nhà giáo chân chính…

Bên cạnh đó, ông Dương Anh Đức cũng đề nghị Ngành Giáo dục làm chủ công, tiếp tục phối hợp đề xuất với Lãnh đạo thành phố những chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng để thầy cô có đời sống vật chất và tinh thần thoải mái, yên tâm công tác. Người thầy phải hạnh phúc mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học vui tươi, sinh động, hấp dẫn; mới có thể dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc.

Là hiệu trưởng của trường THPT Lương Thế Vinh, một ngôi trường nhiều truyền thống với 02 cấp học THCS và THPT, chia sẻ về Mô hình “Ngôi trường hạnh phúc”, nơi truyền nguồn động lực, niềm vui và hạnh phúc cho toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, cô Bùi Minh Tâm nói: "Năm 2004 trường THPT Lương Thế Vinh ra đời với mô hình trường bán công, có điểm đầu vào thấp nhất thành phố, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh không muốn cho con em vào học. Sau 10 năm chúng tôi đã thực hiện thành công sứ mệnh đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục của trường và tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp theo đó là "xây dựng ngôi trường hạnh phúc.

Ở đó tất cả các em học sinh, thầy cô giáo, nhân viên đều hạnh phúc trong từng giây phút. Các em học sinh được yêu thương, chăm sóc, vun bồi và thỏa sức sáng tạo. Ở đó các thầy cô được thỏa sức cống hiến, phát triển bản thân. Các phụ huynh được thấy con mình được phát triển hạnh phúc.

Chúng tôi phải thay đổi từng ngày trong định hướng phát triển, trong cách dạy học, luôn tôn trọng, tìm kiếm và phát triển năng lực của các em...trong thời gian dịch bệnh, để duy trì ngôi trường hạnh phúc, có 3 vai trò quan trọng mà chúng tôi luôn thực hiện: kết nối - niềm tin - trách nhiệm".

Còn với thầy Trần Tiến Đức - Giáo viên môn Toán Trung tâm GDNN-GDTX Quận 11 thì con đường đến với nghề giáo là cả một hành trình đầy gian nan.

Với xuất phát điểm là một người công nhân kỹ thuật sửa chữa thiết bị sản xuất trong nhà máy, với niềm đam mê học tập, một quyết tâm cao độ, thầy đã liên tục học tập và làm việc để đạt được học vị Tiến sĩ ở độ tuổi 59.

Chia sẻ về cách truyền động lực học tập đến các em học viên tại Trung tâm GDNN-GDTX Quận 11, thầy Trần Tiến Đức bày tỏ khi dạy cho các em, thầy cô phải biết động viên, chia sẻ và hiểu hoàn cảnh của các em. Từ câu chuyện khó khăn của chính mình, thầy đã quan tâm, thấu hiểu để giúp các em không mặc cảm và vượt qua khó khăn. 

Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giảng dạy trực tuyến là một khó khăn thách thức của các thầy cô. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, các thầy cô đã mang đến nhiều giải pháp sáng tạo để thu hút các em hơn.

Cô Nguyễn Ánh Phương Nam – giáo viên trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Quận 1 cho biết, luôn trò chuyện với các em như một người bạn, gợi mở để giúp các em quan sát thế giới xung quanh, phát hiện ra những ý tưởng hay. Qua đó cô sẽ giúp các em phát huy năng lực của chính mình, yêu thích môn học hơn.

Đó là những chia sẻ của 3 nhà giáo đại diện cho 15 thầy cô giáo được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo Ưu tú và 50 thầy cô giáo được tuyên dương và được trao giải thưởng năm nay. Vượt lên những hoàn cảnh riêng tư, những khó khăn, các thầy cô đã có những cống hiến xuất sắc trong công tác đào tạo, góp phần làm nên những thành tích đáng tự hào của Ngành Giáo dục TPHCM nói riêng và ngành giáo dục cả nước nói chung.

Các thầy cô đã khắc họa những hình mẫu thật đẹp, thật cao quý về người giáo viên nhân dân trong lòng các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.