TPHCM chính thức gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

VOH - Tối 30/3, UBND TPHCM tổ chức lễ vinh danh “TPHCM là thành viên mạng lưới học tập toàn cầu UNESCO”.

Để xây dựng TPHCM thành một thành phố học tập, Thành phố đã cụ thể hóa triển khai xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030”, tập trung ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tính đến nay, Thành phố đã có hơn 1,6 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” đạt tỷ lệ 80%, có hơn 1.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” với tỷ lệ 99,4%, và hơn 10.300 người, tỷ lệ hơn 98% được công nhận danh hiệu “Công dân học tập”.

Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa trường học, doanh nghiệp.

học tập toàn cầu
Thành phố xác định Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được mà là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, việc trở thành thành viên chính thức Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền Thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động để tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số.

Hiện mạng lưới thành phố học tập toàn cầu có hơn 350 thành phố đến từ khoảng 80 quốc gia. Theo Bộ tiêu chí của UNESCO, xây dựng Thành phố học tập cần đảm bảo 3 nhóm tiêu chí. Trong đó, tiêu chí những lợi ích khi xây dựng thành phố học tập gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá bền vững, thúc đẩy gắn kết xã hội…

Tiêu chí các trụ cột chính của thành phố học tập gồm: giáo dục hòa nhập, đổi mới học tập trong gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện cho người lao động học tập, sử dụng công nghệ học tập hiện đại, văn hoá hoạt tập suốt đời…

Nhóm tiêu chí những điều kiện cơ bản để xây dựng thành phố học tập như cam kết mạnh mẽ, cải thiện quản lý, đẩy mạnh huy động và sử dụng nguồn lực.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, trở thành thành viên chính thức Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là vinh dự và trách nhiệm chung của quốc gia, cộng đồng, chính quyền các cấp, cơ quan, ban ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Thành phố xác định Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được mà là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo. Học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu”.

Bình luận