Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

TPHCM chuẩn bị cho năm học mới - không để thiếu giáo viên

(VOH) - Theo khảo sát tại các quận huyện, một số địa phương với tình hình tăng dân số cơ học dẫn đến điều kiện cho trẻ em đến trường, nhất là học 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn.

Tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TPHCM do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức sáng 19/8, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, với việc gia tăng dân số cơ học ở một số quận huyện hiện nay, cần có chính sách đầu tư để đảm bảo học sinh có thể đến trường một cách thuận lợi.

Theo khảo sát tại các quận huyện, một số địa phương với tình hình tăng dân số cơ học dẫn đến điều kiện cho trẻ em đến trường, nhất là học 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn. Ngoài ra còn có các vấn đề khác như nhà vệ sinh trường học không đảm bảo vệ sinh, nhân lực giáo viên, đặc biệt cho chương trình mới vẫn chưa đảm bảo,… Cùng với các quận Bình Tân, Hóc Môn, Quận 12 cũng là địa phương có sự gia tăng dân số cơ học nhanh, dẫn đến cơ sở vật chất không đủ đảm bảo nhu cầu của học sinh. Đồng thời tỷ lệ học sinh tiểu học tham gia học 2 buổi một ngày vẫn còn thấp.

TPHCM chuẩn bị cho năm học mới - không để thiếu giáo viên 1
Toàn cảnh hội nghị.

Với áp lực dân số tăng nhanh, ông Đoàn Văn Lý - Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12 mong muốn đầu tư thêm trang thiết bị và cả trường lớp không chỉ tại Quận 12 mà ở những địa phương khác để có thể đảm bảo việc học của các em: “Qua khảo sát năm học 2022 - 2023, có thể nói tình hình đã khá tạm ổn. Tuy nhiên, trong tình hình mới với áp lực dân số tăng nhanh thì chúng tôi mong muốn thành phố và các cơ quan chức năng đầu tư thêm các trang thiết bị trường lớp. Thứ hai là nhu cầu học của học sinh, sĩ số của các trường hiện nay là quá lớn. Và thời lượng học hai buổi một ngày theo chỉ tiêu của ngành giáo dục vẫn chưa đảm bảo. Chúng tôi mong muốn thành phố có sự quan tâm và đầu tư cho các quận có áp lực dân số tăng trong thời gian tới”.

Tại Quận 1, theo bà Trịnh Thị Kim Quý, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 cho biết, vào đầu mỗi năm học, các trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn như tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc... : “Về công tác tuyển dụng, chúng tôi đã tổng hợp số liệu các trường có nhu cầu tuyển dụng trong năm học 2022 -2023 và đã phối hợp với Phòng Nội vụ để tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận 1 để xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Tháng 9 tới, các trường thiếu giáo viên thực hiện quy trình tuyển dụng sẽ được chúng tôi chỉ đạo ký hợp đồng với các giáo viên thuộc các trung tâm bên ngoài về dạy để sau khi tuyển dụng xong thì vẫn đảm bảo số lượng giáo viên theo tỷ lệ quy định”. 

Còn bà Vũ Thị Tố Loan - Phó trưởng phòng phụ trách bậc học mầm non Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh cho biết, không chỉ thiếu giáo viên ở các bậc học phổ thông mà tình hình tuyển dụng giáo viên mầm non cũng gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, các trường trên địa bàn cũng luôn quan tâm, không ngừng  nâng cao chất lượng cơ sở dạy học: “Năm học mới này, đối với quận Bình Thạnh của mình thì sĩ số học sinh ra lớp tương đối ổn định, ở tất cả các lớp đầu cấp thì không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, ở khối mầm non thì bé sinh năm 2019 thì hơi nhiều. Tình hình cơ sở vật chất thì trong những năm vừa qua, quận Bình Thạnh được rất nhiều trường xây dựng mới và nâng cấp. Đối với bậc học phổ thông thì mình chỉ thiếu ở một vài bộ môn thôi, tất cả các môn chính hầu như thừa giáo viên. Số lượng giáo viên đăng ký xét tuyển rất đông, ví dụ như là môn Toán (1 có thể chọi tới 5 hoặc 1 chọi 10). Đối với giáo viên mầm non quận Bình Thạnh hiện nay thiếu trầm trọng, chỉ tiêu tuyển là 61 nhưng khi đăng ký xét tuyển chỉ mới có 21”.

Trao đổi về giải pháp tuyển dụng giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết: “Hiện nay, 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang tiến hành tuyển giáo viên ở giai đoạn cuối. Về giáo viên bậc trung học phổ thông, Sở đã tuyển dụng xong. Ở bậc tiểu học, khó khăn nằm ở tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh do nguồn tuyển của chúng ta không đủ. Thứ hai là giáo viên nhạc, họa cũng còn thiếu. Vấn đề này, Sở đã có chỉ đạo các phòng giáo dục sắp xếp hợp đồng thỉnh giảng giáo viên ở các cơ sở giáo dục khác để đảm bảo nội dung dạy học cũng nhưthực hiện kế hoạch dạy học trong năm 2022 - 2023 sắp tới”.

Ông Trần Trung Mậu - Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM, thành viên đoàn khảo sát ở các quận huyện cho biết, hầu hết các quận huyện đều đã chuẩn bị khá tốt cho năm học mới. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần lưu ý, như sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt bổ sung giáo viên cho các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài ra cần đảm bảo được việc học của những học sinh thuộc diện tạm trú, nhất ở những địa bàn có dân số cơ học tăng nhanh, cụ thể ở như ở quận Bình Tân. Ông Trần Trung Mậu kiến nghị cần có thêm chính sách cho cán bộ giáo viên. Vì vừa qua bệnh cạnh nhân viên y tế thì giáo viên cũng nghỉ việc rất nhiều, một phần vì lương không đủ, lương giáo viên mầm non lại thấp hơn tiểu học và nhiều áp lực khác: “Từ trước đến giờ Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách, nhưng chưa tác động một cách cụ thể vào đội ngũ. Vấn đề nghỉ việc ở giáo dục không giống y tế, y tế thì áp lực rõ ràng còn giáo dục lại áp lực chuyện khác.”

Bắt đầu từ ngày 22/8, học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông tại TPHCM sẽ tựu trường. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường, các địa phương cơ bản đã sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại.

Bình luận