Chương trình nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025.
TPHCM kiến nghị tiếp tục chương trình Sữa học đường đến 2025
Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM được thực hiện thí điểm đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện. Hiện đã có gần 133.000 em tham gia chương trình và được uống sữa hàng ngày tại trường. Quá trình triển khai, chương trình đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, thể hiện được tính nhân văn và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các trường, cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên thời gian thụ hưởng của các em còn ngắn, chưa đủ để đánh giá tác động của việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng khi sử dụng sữa. Trong khi việc đánh giá này cần được theo dõi trong một giai đoạn từ 3-5 năm.
Theo Quyết định 1340 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình chỉ thực hiện đến năm 2020. Vì vậy, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình Sữa học đường và tạo cho các em một nền tảng vững chắc về dinh dưỡng để góp phần nâng cao tầm vóc, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Kết luận số 640 ngày 7/7/2020 về tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố, trong đó nêu rõ: “Khẩn trương trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM giai đoạn sau năm 2020. Không để gián đoạn khi thực hiện Chương trình này".
Do đó, UBND TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận chủ trương cho phép Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025.
Theo thống kê, trên thế giới có 60 quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Tại Việt Nam, chương trình này đã triển khai tại 17 tỉnh thành, theo hình thức xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp 20%, phụ huynh đóng 50% chi phí, tự nguyện tham gia của phụ huynh. Riêng đối với các em khó khăn, sẽ được hỗ trợ miễn phí.
Chương trình "Sữa học đường" được triển khai từ rất sớm tại các quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh... Tại Châu Á, Nhật Bản thực hiện chương trình ngay sau Thế chiến thứ 2 và được xem là hình mẫu thần kỳ với kết quả: chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất Châu Á, lên mức 1m72 như ngày nay. Ngoài ra, theo báo cáo năm 2007 tại Nhật Bản, thông qua chương trình "Sữa học đường" 7,08 triệu trẻ em trong 99,2% trường tiểu học và 2,9 triệu học sinh trong 85,8% trường trung học cơ sở đã có bữa trưa hoàn chỉnh. Thái Lan cũng triển khai chương trình "Sữa học đường" thành công từ năm 1992 cho trẻ từ 3-12 tuổi, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống dưới 10% năm 2006 và sau 18 năm, đến năm 2010 thì chiều cao tăng thêm 5cm mỗi năm.
Bệnh dại và bạch hầu có số ca mắc và ca tử vong gia tăng - (VOH) - Nhiều bệnh truyền nhiễm đã giảm mạnh so cùng kỳ 2019, nhưng bệnh dại và bạch hầu lại gia tăng số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong.