Chờ...

TPHCM: Mùa mưa đến sớm, trường học chăm sóc cây xanh như thế nào để đảm bảo an toàn?

(VOH) - Mùa mưa năm nay được dự báo sẽ đến sớm hơn. Để giảm tình trạng gãy, đổ cây xanh, gây mất an toàn cho học sinh, thời điểm này, các trường cần cắt tỉa cành, hạ độ cao và cắt cây sâu, mục.

Mùa mưa tại Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng thường rơi vào khoảng thời gian từ ngày 5 - 15/5 hàng năm, cũng có thể đến sớm-trễ hơn một vài ngày. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thời điểm bắt đầu mùa mưa năm nay vào khoảng từ ngày 24/4 - 5/5.

Nhận định xu thế thời tiết Nam Bộ năm 2023, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, tổng lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-10%. Tuy nhiên, hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ cường độ mạnh sẽ xuất hiện trong những tháng chuyển mùa và đầu mùa mưa (từ tháng 4 - 6/2023).

Để chủ động phòng ngừa và ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng cây xanh gẫy đổ gây tai nạn (như một số trường hợp xảy ra gần đây), các trường học cần rà soát lại công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, cây bóng mát trong và quanh trường.

cây xanh
Nhiều cây bóng mát trong trường học hiện có tuổi đời và kích thước khá lớn - Ảnh: HL

Đọc thêm: Cây xanh ngã trước cổng trường Trần Văn Ơn khiến nhiều người bị thương

Cắt tỉa, chăm sóc cây xanh ở trường học như thế nào là phù hợp? Theo chị Nguyễn Nữ Phương Thảo – Chuyên viên thiết kế cảnh quan cao cấp – người có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế cảnh quan, cây xanh tại các dự án cho rằng, công tác bảo dưỡng và kiểm tra cây xanh định kỳ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng không gian.

Việc bảo dưỡng cơ bản bao gồm các công tác lập bảng thống kê để quản lý các cây hiện có, kiểm tra tình trạng sức khỏe của cây, kiểm tra tình trạng của phần cứng xây dựng kế cận và ghi nhận sự ảnh hưởng, bón phân và tưới nước, cắt tỉa, tạo hình, neo chống và thay thế trồng mới.

Hiện nay, mỗi đơn vị cây xanh sẽ có những bản hướng dẫn riêng cụ thể và chi tiết để thực hiện cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các trường học có thể dựa theo Thông tư 20 - hướng dẫn công tác quản lý cây xanh đô thị của Bộ Xây dựng.

Theo đó, để đảm bảo hiệu quả, trường học nên có một bộ phận phụ trách chuyên biệt cho hoạt động này hoặc sử dụng dịch vụ bên ngoài để kiểm tra định kỳ. Bên cạnh việc thực hiện một số hạng mục chăm sóc cây đơn giản, các trường nên hợp tác với các đơn vị chuyên môn để xác định đúng tình trạng cây cũng như thực hiện công tác xử lý cắt tỉa, đốn hạ đảm bảo an toàn lao động - chị Thảo nhấn mạnh.

cắt tỉa cây xanh
Các trường nên phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xác định đúng tình trạng cây và xử lý cắt tỉa, đốn hạ đảm bảo an toàn lao động - Ảnh: HL

Theo chị Thảo, việc kiểm tra cần được thực hiện định kỳ tối thiểu hai lần một năm vào đầu mỗi mùa mưa và khô, và bổ sung các lần kiểm tra khẩn cấp nếu phát hiện các trường hợp bệnh tật hay nghiêng ngả bất thường. Một trong những dấu hiệu của nghiêng ngả có thể được quan sát khi các phần cứng xây dựng xung quanh như sàn hay bồn cây xuất hiện các vết nứt xuất phát từ gốc cây.

Chị Thảo nhận định, việc các cây trong hoặc gần trường học ngã đổ như thời gian qua có thể bắt nguồn từ không gian quy hoạch ban đầu chưa tốt hoặc do công tác bảo dưỡng chưa hiệu quả. Về bản chất, bất kỳ loài cây nào cũng có thể bị ngã đổ khi không đủ không gian bám rễ và không được bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ để ghi nhận sớm nguy cơ.