Mỗi ban biên soạn gồm 11 thành viên là nhà nghiên cứu thuộc các viện trường; giáo viên, cán bộ quản lý đang trực tiếp công tác tại các đơn vị trường học; giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM và lãnh đạo các phòng ban Sở Giáo dục và Đào tạo…
Ban biên soạn tài liệu GDĐP có nhiệm vụ cụ thể hóa mục tiêu của chương trình giáo dục góp phần xây dựng các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ, nội dung từng bài học để bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ.
Ngoài ra, Ban biên soạn cần đảm bảo vận dụng được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo; vận dụng được các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả GDĐP theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Năm học tới, 2024 - 2025 là năm học triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12), cũng là năm hoàn thành lộ trình chuyển đổi sang Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thành lập ban biên soạn tài liệu GDĐP nhằm triển khai phù hợp với tiến độ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
GDĐP là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 cho đến lớp 12.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung GDĐP được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của một tỉnh trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế - chính trị, bảo vệ môi trường... của tỉnh, gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn.
Theo đó, đối với bậc tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Đối với bậc THCS, THPT, nội dung GDĐP của tỉnh được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học.
Đối với bậc trung học, nội dung GDĐP được biên soạn thành bộ tài liệu GDĐP của một tỉnh có vị trí như sách giáo khoa.