Theo đó, Chương trình này gắn kết chặt chẽ với Đề án Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - Tự động hoá; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị giai đoạn 2020 - 2035 và Đề án Đại học chia sẻ; tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Theo Kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, Thành phố có tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87%.
Trong công tác định hướng, phân luồng học sinh bậc trung học, dự kiến tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở ngay từ lớp 8, nhằm giúp học sinh có thể phân biệt, xác định sở trường, sở thích của bản thân để hướng đến nghề nghiệp trong tương lai.
Qua đó, học sinh có thể nhận thức sớm về nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn phương hướng học tập: tự nhiên, xã hội… và lựa chọn lộ trình học tập sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Dự kiến trong năm học 2024 - 2025, thành phố thí điểm phối hợp giữa trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức triển khai nội dung hướng nghiệp bằng các hình thức như: trải nghiệm thực tế học nghề tại các trường nghề, giải đáp - tư vấn các thắc mắc trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực của mỗi học sinh, tổ chức giảng dạy một mô-đun thực hành đơn giản với thời lượng khoảng 2 tiết/tuần tại các trường nghề để học sinh có thể nhận thức được thực tế sản xuất khi tham gia thị trường lao động.